Đẩy mạnh tuyên truyền để Luật Quản lý thuế sớm đi vào cuộc sống

Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 với nhiều nội dung mới rất quan trọng như: Quyền của người nộp thuế được mở rộng; thời hạn quyết toán thuế kéo dài thêm 1 tháng; siết chặt QLT đối với giao dịch liên kết; QLT đối với hoạt động thương mại điện tử… Đây là những vấn đề được dư luận quan tâm. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị phỏng vấn ông DƯƠNG QUỐC HOÀN, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Thuế tỉnh Quảng Trị.

- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết rõ hơn về những điểm mới trong Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020? Theo ông, những điểm mới này có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động ngành Thuế hiện nay?

- Ngày 13/6/2019, tại kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Luật có hiệu lực ngày 1/7/2020 và thay thế Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13).

Một số nội dung mới của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 mà người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức kinh tế cần biết để áp dụng là: Về QLT bổ sung thêm các nội dung: quản lý hóa đơn, chứng từ; mở rộng trách nhiệm trong hợp tác quốc tế về thuế; tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT). Luật cũng mở rộng quyền của NNT; bổ sung các trường hợp được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp; quy định về QLT đối với hoạt động thương mại điện tử; kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thêm 1 tháng; tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động giao dịch liên kết; bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho đại lý thuế; bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong QLT, đồng thời siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá, giao dịch liên kết.

Đặc biệt, Luật Quản lý thuế mới quy định về hóa đơn điện tử là một bước tiến rất quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0, mô hình hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi thì việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là rất cần thiết. Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ, việc áp dụng hóa đơn điện tử được áp dụng kể từ ngày 1/11/2020, theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

 Cán bộ Cục Thuế tỉnh tư vấn hỗ trợ chính sách thuế cho người nộp thuế - Ảnh: TRÍ BẬT

Cán bộ Cục Thuế tỉnh tư vấn hỗ trợ chính sách thuế cho người nộp thuế - Ảnh: TRÍ BẬT

Việc bổ sung, sửa đổi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH18 là vấn đề rất quan trọng, qua luật sửa đổi lần này có thể thấy ngành Thuế đã tiến thêm một bước trong việc cải cách thủ tục hành chính thuế, lấy NNT làm trung tâm, qua đó đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của NNT. Các quyền của NNT được bổ sung trong Luật Quản lý thuế mới được cụ thể hóa làm tăng mức độ hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, mở rộng quyền lợi, nghĩa vụ của người nộp thuế, gắn liền với trách nhiệm của cơ quan thuế theo phương châm: Minh bạch - chuyên nghiệp - liêm chính - đổi mới, là thước đo để NNT làm căn cứ đối chiếu với các hành vi của cơ quan Thuế nói chung và mỗi công chức, viên chức ngành Thuế nói riêng khi thực thi nhiệm vụ.

- Những điểm mới trong Luật Quản lý thuế có ý nghĩa như thế nào đối hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong công tác QLT, thưa ông?

- Luật Quản lý thuế lần này bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ quản lý TMĐT. Theo tôi, đây là quy định rất phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện kinh doanh TMĐT là loại hình kinh doanh đang phát triển mạnh mẽ ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, với các hình thức như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện truyền hình, mạng xã hội. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này cũng phát sinh nhiều vấn đề cần quản lý, nhất là trong công tác QLT. Hoạt động kinh doanh TMĐT rất đa dạng và phong phú, phạm vi kinh doanh rộng nên đã có nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi ngành Thuế phải giải quyết như: Làm thế nào để xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của những doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế số; xác định khái niệm về nguồn phát sinh thu nhập, cơ sở thường trú hay đặc điểm thu nhập để QLT. Do đó, để quản lý được hoạt động TMĐT, ngành Thuế Quảng Trị tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức cho cán bộ thuế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, nắm bắt đầy đủ chính sách pháp luật thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT; thường xuyên tiếp cận, rà soát thông tin, dữ liệu của tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT để làm cơ sở cho việc QLT đối với hoạt động này trong thời gian tới.

- Ông cho biết để Luật Quản lý thuế đi vào cuộc sống, từ đây đến cuối năm Cục Thuế Quảng Trị sẽ triển khai các kế hoạch gì?

- Thời gian còn lại của năm 2020 chỉ hơn 4 tháng, trong khi từ đầu năm đến nay nền kinh tế - xã hội đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đợt COVID-19 lần thứ 2 có nhiều diễn biến phức tạp, việc giãn cách xã hội trong một thời gian dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, công tác quản lý thu thuế báo hiệu một năm đầy khó khăn và thách thức.

Để vượt qua thử thách đó, Cục Thuế Quảng Trị đang tập trung công tác điều hành, quản lý thu ngân sách đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt hiệu quả ở mức tốt nhất. Đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích NNT thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về thuế, trong đó vấn đề quan trọng nhất là hướng dẫn phổ biến Luật Quản lý thuế mới. Tiếp tục nâng cao mức độ hài lòng của NNT trong thời gian tới theo hướng truyền tải thông tin công khai, minh bạch, đầy đủ các tài liệu về chính sách, pháp luật về thuế; trả lời chính sách thuế cho NNT kịp thời, đúng thời gian quy định. Bố trí công chức làm việc tại bộ phận một cửa đủ tiêu chuẩn, số lượng, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, giải đáp chính sách, thủ tục về thuế cũng như giải quyết TTHC cho NNT. Cùng với đó, ngành Thuế thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ đường dây nóng, các quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh của NNT; giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng các yêu cầu của NNT khi phát sinh.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQCP ngày 16/5/2016 của Chính phủ trong thời gian tới đó là: Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đúng thời hạn và hiệu quả theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Tiếp tục triển khai Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19; Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về Các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh COVID-19. Quán triệt và tổ chức triển khai kịp thời Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 1/6/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị về Công tác quản lý thu ngân sách, cải cách hành chính thuế.

Đặc biệt, ngành Thuế thực hiện công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế như gia hạn nộp thuế, giản thuế. Hướng dẫn tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời chính sách giảm 50% số tiền lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước; giảm 15% tiền thuê đất năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của COVID-19 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng (gần 100% doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Trị thuộc diện miễn giảm 30% theo Nghị quyết 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội). Tiếp tục triển khai Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về Hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Tiếp tục hướng dẫn NNT thực hiện tốt việc khai và nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hướng dẫn gia hạn, miễn giảm thuế thông qua cổng thông tin điện tử ngành thuế…Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục tăng cường đổi mới, đào tạo đội ngũ cán bộ có khả năng tiếp cận với khoa học công nghệ, nâng cao tinh thần trách nhiệm theo hướng xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng, để tiếp tục nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của người dân trong ứng xử và hoạt động công vụ, hỗ trợ NNT thực hiện tốt công tác thuế trong thời gian tới .

- Xin cảm ơn ông!

Lâm Thanh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150982