Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
Với vai trò là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, là cơ quan chủ trì thực hiện các đề án tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã, bản đặc biệt khó khăn và biên giới, góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật trong nhân dân.
cho người dân bản Bung, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai).
Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành có liên quan tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, trong đó lồng ghép với công tác chuyên môn, các chương trình, đề án, dự án khác, như: Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”; Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2017-2021”; tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, ma túy, buôn bán người. Biên soạn, phát hành tài liệu cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác PBGDPL; xây dựng chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng các thứ tiếng dân tộc trên sóng phát thanh, truyền hình, trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương về PBGDPL và tuyên truyền chính sách dân tộc.
Được biết, từ năm 2019 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức 20 hội nghị tập huấn về nghiệp vụ công tác dân tộc cho 2.600 lượt cán bộ bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II, III trên địa bàn tỉnh; tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền PBGDPL về chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Trung ương và của tỉnh… cho 550 trưởng bản, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, người có uy tín ở các bản thuộc 17 xã biên giới của các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã, Sốp Cộp theo Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2017-2021”. Chủ trì phối hợp tổ chức 8 cuộc thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình, về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các trường tiểu học và THCS của xã Nong Lay, Liệp Tè (Thuận Châu), Ngọc Chiến, Nậm Giôn, Chiềng Muôn (Mường La), Tân Lập (Mộc Châu) và Suối Tọ (Phù Yên), với 1.600 lượt học sinh, phụ huynh và giáo viên tham gia. Duy trì thực hiện các mô hình điểm về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Hang Chú, Háng Đồng (Bắc Yên); Lóng Luông, Tân Xuân (Vân Hồ); Suối Bau, Suối Tọ (Phù Yên); Ngọc Chiến, Ít Ong (Mường La); Long Hẹ, Bó Mười (Thuận Châu), trong đó biên tập tài liệu tuyên truyền dưới dạng hỏi- đáp về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phát trên loa truyền thanh ở xã có mô hình điểm, thực hiện phát 4 lần/tháng bằng tiếng phổ thông.
Tìm hiểu tại xã vùng cao Mường Bám (Thuận Châu), hiện có gần 1.865 hộ với trên 9.866 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành đầu tư cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do việc tiếp cận kiến thức pháp luật còn hạn chế, nên vẫn còn tình trạng người dân vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết... Trước thực trạng đó, những năm gần đây, xã đã quan tâm bồi dưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về công tác PBGDPL. Quan tâm đầu tư, khai thác tốt các thiết chế văn hóa cơ sở, như tủ sách pháp luật, hệ thống loa truyền thanh, duy trì hoạt động của 175 nhóm liên gia tự quản và tổ hòa giải ở cơ sở; khai thác tốt tủ sách pháp luật ở xã với nhiều các đầu sách và thể loại khác nhau. Phối hợp với Ban Dân tộc huyện tuyên truyền BPGDPL đến người dân, đặc biệt là các bản xa trung tâm, khu nhiều đồng bào dân tộc thiểu số lồng ghép bằng các thứ tiếng dân tộc để tuyên truyền về các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định canh định cư, ổn định sản xuất, không nghe theo kẻ xấu, không du canh du cư; không sinh con thứ 3; phát hiện tố giác những hành vi vi phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới, vận chuyển buôn bán ma túy và các chất gây nghiện... Nhờ đó, những năm gần đây tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Dân tộc tỉnh đang tiếp tục phối hợp tốt với các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai tốt các đề án, quyết định của Chính phủ về công tác tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền PBGDPL, lựa chọn hình thức cung cấp thông tin giúp cho đồng bào dân tộc dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu khi tiếp cận với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kiến thức về giới, bình đẳng giới, phát triển kinh tế, chính sách xã hội... Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật trong nhân dân, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.