Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật bảo vệ môi trường

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp quốc và chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản. Hoạt động này được ngành chức năng, địa phương phối hợp thực hiện quyết liệt và xuyên suốt, từng bước cải thiện và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp (DN) và người dân.

Đoàn công tác HĐND tỉnh giám sát hoạt động xử lý nước thải tại nhà máy sản xuất của Công ty Acecook Việt Nam Chi nhánh Bình Dương

Tháng hành động

Để hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp quốc và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về Ngày Nước thế giới (22-3), Ngày Khí tượng thế giới (23- 3) và chiến dịch Giờ Trái đất (26-3), trong tháng 3-2022 vừa qua, Sở TN&MT tỉnh đã phối hợp các địa phương thực hiện nhiều nội dung tuyên truyền, phổ biến, ý nghĩa và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng DN và nhân dân. Các chương trình hành động được chuẩn bị kỹ lưỡng với kịch bản sâu sát, phù hợp điều kiện thực tiễn về dịch bệnh và kinh tế - xã hội tại địa phương, đại đa số người dân đều hưởng ứng khá nồng nhiệt.

Với các nội dung tuyên truyền, phổ biến liên quan nội dung “Nước ngầm - biến thứ vô hình thành hữu hình”, chương trình hành động hướng tới Ngày Nước thế giới năm nay thu hút sự quan tâm của đông đảo DN và người dân. Theo đó, từ những thông tin, kiến thức mà các chuyên gia nêu ra tại các chuyên đề tọa đàm, phương tiện truyền thông, DN và người dân đã ý thức hơn về tầm quan trọng của nước ngầm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe của người dân.

Ông Dương Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) cho biết, kể từ khi nhận được các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh về việc hạn chế khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất, Công ty Biwase đã đẩy mạnh đầu tư, khai thác và cung cấp nguồn nước sạch bảo đảm vệ sinh an toàn cho người dân từ nguồn nước mặt dồi dào. Tính đến cuối tháng 3-2022, tỷ lệ cung cấp, đấu nối nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh đã đạt ở mức trên 90%. Trong đó, tỷ lệ người dân đấu nối, sử dụng nước sạch ở các khu vực đô thị ước đạt từ 98 - 99%.

Cùng với chương trình hành động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, trong tháng 3 vừa qua, ngành chức năng cũng phối hợp các địa phương tuyên truyền, phổ biến thông điệp ý nghĩa về Ngày Khí tượng thế giới (23-3), chiến dịch Giờ Trái đất (26-3)… Thông qua những nội dung tuyên truyền, phổ biến đặc sắc, ý nghĩa có tính lan tỏa cao, nhận thức của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Đây là tín hiệu đáng vui mừng để toàn tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị thông minh - xanh - sạch - phát triển bền vững.

Mục tiêu lớn, quyết tâm cao

Với cam kết đưa tổng lượng phát thải ròng cả nước về 0 vào năm 2050, ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sớm xây dựng chương trình hành động phù hợp với nhiệm vụ của mình. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành và địa phương cần có lộ trình rõ ràng trong từng giai đoạn để chung tay thực hiện mục tiêu lớn của cả nước.

Sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TN&MT, UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều cuộc họp, chỉ đạo các sở ngành và địa phương sớm đưa ra các lộ trình về bảo vệ môi trường với giải pháp và mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn. Dù những mục tiêu đề ra gặp khó khăn do đại dịch, nhưng nhìn chung các sở ngành, địa phương đều thể hiện quyết tâm cao.

Ngành TN&MT với nhiệm vụ chủ trì, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các nội dung quan trọng liên quan đến chiến lược gìn giữ, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá đã hành động ngay từ sớm. Trong 3 tháng đầu năm, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tới các địa phương, tổ chức, cá nhân đối với các hoạt động liên quan lĩnh vực tài nguyên môi trường. Việc kịp thời ban hành, cập nhật những văn bản mới phù hợp với pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương giúp các hoạt động trong lĩnh vực được điều chỉnh đúng với quy định của pháp luật.

Thực hiện chuyển đổi số để phát triển, ngành TN&MT cũng mạnh dạn đề xuất cấp thẩm quyền đầu tư lắp đặt, vận hành nhiều hệ thống có ý nghĩa chiến lược. Những năm qua, với sự tham mưu của Sở TN&MT, tỉnh đã đầu tư lắp đặt, vận hành ổn định và thuần thục nhiều hệ thống quan trắc, dự báo tài nguyên môi trường. Trong đó, điểm sáng tiêu biểu là hệ thống quan trắc kỹ thuật môi trường nước, không khí đang được đội ngũ chuyên gia dày kinh nghiệm vận hành khá hiệu quả hiện nay.

Ông Lê Văn Tân, Trưởng Phòng Tài nguyên Nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, Sở TN&MT: Hiện nay sở đã giao nhiệm vụ quan trắc cho Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật Môi trường Bình Dương thực hiện các nội dung vận hành, giám sát và báo cáo các thông số kỹ thuật về môi trường, không khí, nước về cơ quan chức năng. Với việc được giám sát 24/7 bằng công nghệ giám sát trực tuyến toàn thời gian và có mẫu lưu trữ, các chỉ số về nước, không khí… cũng được cải thiện rõ rệt. Ngành khí tượng thủy văn tỉnh cũng đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, cho phép dự báo, dự đoán sớm các nội dung liên quan thời tiết, khí hậu khá chính xác. Hoạt động này được kỳ vọng sẽ giúp các DN, người dân giảm đáng kể những thiệt hại trong trường hợp xảy ra điều kiện thời tiết, khí hậu xấu.

ĐÌNH THẮNG - KHÁNH VY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/day-manh-tuyen-truyen-pho-bien-kien-thuc-phap-luat-bao-ve-moi-truong-a269187.html