Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tảo hôn

Đề án 'Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi' thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 9, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn phối hợp triển khai quyết liệt. Mục tiêu, đến năm 2025 tỉnh cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Nhân rộng mô hình phòng, chống tảo hôn của tỉnh Bắc Kạn.

Nhân rộng mô hình phòng, chống tảo hôn của tỉnh Bắc Kạn.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, để thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp với các cách làm thiết thực như: Sân khấu hóa để dễ nhớ, dễ hiểu; phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động thường xuyên, kịp thời… Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo cùng các địa phương tổ chức hoạt động tuyên truyền tại các xã và 11 mô hình điểm, nơi có nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn cao bằng nhiều hình thức.

Để đẩy mạnh tuyên truyền, ngành y tế tỉnh Bắc Kạn, đã chỉ đạo triển khai thực hiện lồng ghép các hoạt động tư vấn, can thiệp y tế và các chương trình kế hoạch hóa gia đình để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; giao Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình thực hiện tuyên truyền các nội dung về công tác dân số trong tình hình mới như: Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở đồng bào DTTS, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, lợi ích sử dụng các phương thức tránh thai, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và mất cân bằng giới tính khi sinh….

Bên cạnh đó, ngành y tế còn tổ chức 14 buổi tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả, tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát, tư vấn cho các bà mẹ mang thai về lợi ích sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại cộng đồng và khoa sản Bệnh viện tuyến huyện... Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã chỉ đạo các trường học đưa nội dung giáo dục giới tính, các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các giờ học chính khóa như môn học Giáo dục công dân, Ngữ văn…. Thực hiện lồng ghép tổ chức tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các giờ học, buổi sinh hoạt ngoại khóa.

“Đặc biệt, khi thực hiện việc này, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các văn bản pháp luật liên quan như: Luật hôn nhân và Gia đình, Luật dân sự, Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình...; tổ chức tuyên truyền thông qua các kênh thông tin đại chúng như loa, đài, các cuộc họp thôn, tổ, chi hội phụ nữ, cộng tác viên dân số. Bên cạnh đó, lồng ghép với các hoạt động hòa giải cộng đồng, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ, tổ nhóm.... nhằm nâng cao nhận thức người dân, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”, bà Thu Phương chia sẻ.

Tiếp tục duy trì các mô hình điểm

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục duy trì triển khai hoạt động của 11 mô hình điểm trong Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” tại các huyện Ngân Sơn, Pác Nặm, Chợ Đồn, Na Rì. Tại thôn Lủng Pạp, xã Cao Tân là thôn vùng sâu, vùng xa của huyện Pác Nặm, 100% dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 96%, bà con trong thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp là chính.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cách đây 3 năm về trước vẫn còn xảy ra. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Đề án, tình trạng này đã giảm hẳn. Được biết, năm 2020, thôn Lủng Pạp đã tuyên truyền, vận động giảm nạn tảo hôn được 2 cặp so với năm 2019; không có hôn nhân cận huyết thống. Các cháu trong đội tuổi đều được đến trường, trong đó có 3 cháu đã tốt nghiệp lớp 12, sau đó đi học các trường chuyên nghiệp. Năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, thôn đã duy trì không có tảo hôn, đến thời điểm hiện nay thôn đã có 9 cháu tốt nghiệp lớp 9 và 3 cháu tốt nghiệp lớp 12.

Theo bà Triệu Thị Thu Phương, với vai trò là cơ quan thường trực Đề án, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xã, nhóm Nòng cốt thực hiện Mô hình điểm Đề án do Trưởng Ban Dân tộc tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo, lãnh đạo Văn phòng HĐND-UBND huyện làm Phó Ban thường trực, Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã làm Phó Ban, các thành viên gồm một số công chức xã. Trong đó, nhóm Nòng cốt do Chủ tịch, phó Chủ tịch làm Trưởng Nhóm, các thành viên gồm ban giám hiệu nhà trường, công chức xã, trưởng thôn….; đồng thời thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách hoạt động của mô hình. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức 11 hội nghị phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình cho đội ngũ tham gia mô hình tại 11 mô hình điểm với 231 người là thành viên Ban Chỉ đạo, Nhóm Nòng cốt.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phong phú các hình thức vận động nâng cao nhận thức của người dân thì sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng là rất cần thiết. Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đoàn thể từ tỉnh đến tận các bản làng sẽ là yếu tố then chốt để ngăn chặn và xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nơi đây.

Minh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/day-manh-tuyen-truyen-phong-chong-tao-hon-5739735.html