Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới
Với việc triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, những năm qua, công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình ở xã cây Thị (Đồng hỷ) đã thu được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ.
Xã Cây Thị hiện có gần 4.000 nhân khẩu, trong đó, tỷ lệ nữ chiếm khoảng 50%. Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm qua, xã đặc biệt quan tâm đến công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đến người dân được đặc biệt chú trọng.
Hàng năm, xã phối hợp với các đơn vị, đoàn thể các cấp tổ chức hội nghị tuyên truyền lồng ghép, liên hoan văn nghệ, biểu diễn kịch… liên quan đến chủ đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Năm 2019, xã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tuyên truyền với chủ đề “Cùng hợp sức để chấm dứt bạo lực gia đình”. 100% số xóm trong xã đều tổ chức lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình vào các buổi sinh hoạt xóm, thông qua hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền trực tiếp tại hộ dân. Nội dung tuyên truyền nhằm giúp người dân nhận biết và chủ động ngăn chặn các hành vi phân biệt giới tính, bạo lực gia đình.
Cùng với công tác tuyên truyền, xã cũng chú trọng xây dựng các mô hình cụ thể về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Từ năm 2013, xã đã xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy và nhà tạm lánh… ở tất cả các xóm, thành lập 5 câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc bền vững. Đến nay, những mô hình này vẫn đang hoạt động hiệu quả. Mô hình địa chỉ tin cậy được thành lập với mục đích là nơi tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực. Bà Dương Thị Chiến, một trong những người thực hiện mô hình địa chỉ tin cậy ở xóm Suối Găng, xã Cây Thị bộc bạch: Trước kia, nhiều chị em không biết mình là nạn nhân của bạo lực gia đình. Những người biết thì thường im lặng, chịu đựng hoặc có tâm lý e ngại nên không dám nói cho ai. Trong quá trình vận động chị em lên tiếng chống lại bạo lực gia đình, chúng tôi thường đưa ra những phương án hỗ trợ thiết thực cho nạn nhân, đảm bảo giữ bí mật cho nạn nhân, người cung cấp thông tin và cả gia đình của họ. Chi hội phụ nữ đã vận động thêm một số người có uy tín trong xóm tham gia hàn gắn những rạn nứt, mâu thuẫn trong gia đình. Từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã giúp hòa giải không ít vụ việc mâu thuẫn giữa vợ chồng trong gia đình.
Bên cạnh mô hình địa chỉ tin cậy, Hội Phụ nữ xã Cây Thị còn vận động các nhà tài trợ hỗ trợ triển khai 3 mô hình nhà tạm lánh tại các xóm: Suối Găng, Mỹ Hòa và Trại Cau. ông Nguyễn Trọng Cường, chủ hộ gia đình đăng ký làm nhà tạm lánh ở xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị cho biết: Khi đăng ký làm nhà tạm lánh, tôi cũng gặp phải ý kiến phản đối của các thành viên trong nhà vì lo ngại có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của gia đình. Tuy vậy, được sự giải thích và cam kết hỗ trợ của chính quyền, Công an xã, tôi đã sắp xếp một phòng riêng, nhận giường, chăn, màn hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã để sẵn sàng giúp đỡ các trường hợp bị bạo lực gia đình khi cần thiết.
Không chỉ đăng ký trở thành nhà tạm lánh, ông Cường còn tích cực tham gia vào Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc bền vững, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Chị Đỗ Thị Nga, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc bền vững xóm Mỹ Hòa chia sẻ: Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt với nội dung gắn với các vấn đề liên quan đến đời sống gia đình và xã hội, đặc biệt là hoạt động hòa giải các bất hòa trong hôn nhân gia đình, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc bạo lực gia đình. Các thành viên còn được cung cấp nhiều kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em…
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhận thức về vấn đề này của người dân trong xóm được nâng cao rõ rệt. Trong vòng 4 năm trở lại đây, ở xã Cây Thị không phát hiện trường hợp bạo lực gia đình, tỷ lệ lao động nữ có việc làm tăng thêm hàng năm chiếm trên 50%; 65/80 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế…
Ông Dương Minh Thư, Chủ tịch UBND xã Cây Thị cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động để người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Đồng thời, duy trì và phát triển các mô hình, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, hành động nhân dân trong phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới…