Đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số: Cách làm của Vụ Bản
Năm 2023, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác chuyển đổi số như ứng dụng các phần mềm công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, số hóa văn bản và thủ tục hành chính trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến...
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Môi trường, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; kinh tế số, xã hội số hiện hữu trong mỗi người dân, mỗi gia đình. Một trong những giải pháp hiệu quả để đạt được kết quả này là nhờ huyện đã quan tâm, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền CĐS.
Với phương châm: “Nhận thức là quyết định; người dân, doanh nghiệp là trung tâm”, huyện Vụ Bản đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thúc đẩy CĐS để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền CĐS bằng nhiều hình thức thông qua hệ thống thông tin cơ sở; trên Trang thông tin điện tử của huyện, của các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn; các trang mạng xã hội; các cuộc họp, hội nghị và các hình thức khác…
Đặc biệt Vụ Bản là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức thành công đợt cao điểm tuyên truyền CĐS kéo dài liên tục 2 tháng từ ngày 8-8 đến 10-10-2023 thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng cho người dân về CĐS. Huyện đã huy động tổng thể lực lượng từ Tổ công nghệ số cộng đồng, đại diện các tổ chức hội, đoàn thể chính trị, công chức bộ phận “một cửa” ở địa phương đến các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông trên địa bàn cùng đông đảo cán bộ và nhân dân phối hợp truyền thông tới từng người dân về chủ trương, cách làm CĐS.
Sau khi tuyên truyền lưu động bằng xe cơ giới trên các trục đường chính và trung tâm của xã, thị trấn, đoàn tuyên truyền di chuyển đến địa bàn các khu dân cư để kết hợp vừa truyền thông về CĐS, vừa trực tiếp hướng dẫn các tổ chức và người dân các thao tác thực hiện trên một số nền tảng ứng dụng số như: truy cập vào đường link, tra cứu các nội dung công khai đăng tải để khai thác, sử dụng và cách thức nộp hồ sơ thủ tục hành chính toàn trình hoặc một phần trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Cũng tại đợt cao điểm tuyên truyền CĐS, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp cận người dân để hướng dẫn cách mở app trên điện thoại thông minh, tra cứu thông tin và thực hiện các dịch vụ; hướng dẫn cán bộ và nhân dân trong xóm cài ứng dụng định danh cá nhân (ứng dụng VNeID) và tra cứu thông tin trên ứng dụng…; giới thiệu về sàn thương mại điện tử Postmart giúp người dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP hoặc các sản phẩm tiêu biểu có thể trực tiếp đưa lên sàn giao dịch để quảng bá, tiêu thụ.
Ngoài đợt cao điểm, huyện Vụ Bản cũng áp dụng đồng loạt mô hình tuyên truyền CĐS tại Trung tâm giao dịch hành chính huyện, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại hệ thống “một cửa” cấp huyện, xã, trụ sở Công an, điểm giao dịch bưu điện văn hóa xã.
Theo đó, 100% người dân khi đến giao dịch hành chính ở cả cấp huyện và xã đều được cán bộ, công chức, viên chức tuyên truyền, giới thiệu về 53 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06, nhất là 2 nhóm dịch vụ công liên thông; phổ biến cách khai thác sử dụng dữ liệu công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ Căn cước công dân hoặc phần mềm VNeID mức 2 (được cài đặt trên thiết bị di động của công dân); được khuyến khích thực hiện thanh toán trực tuyến các loại phí, lệ phí như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thanh toán phí, lệ phí, nghĩa vụ thuế...
Bên cạnh đó, mỗi xã, thị trấn lại kiên trì tuyên truyền CĐS theo cách làm riêng, sáng tạo. Tại các xã Quang Trung, Hiển Khánh, định kỳ tối Chủ nhật hàng tuần, Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, xóm mời bà con đến nhà văn hóa để được tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn về CĐS; về sử dụng các dịch vụ công ích, dịch vụ công trực tuyến trên mạng internet, việc sử dụng các mạng xã hội để khai thác thông tin hữu ích và cách nhận biết, phòng ngừa lừa đảo qua điện thoại, qua mạng internet. Ở một số khu dân cư xã Đại Thắng, hàng tuần, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đều tổ chức đi tới từng xóm, các dong ngõ để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ bà con nhân dân về các kỹ năng số…
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CĐS, người dân huyện Vụ Bản đã không còn e ngại, lúng túng về công nghệ, tiếp cận sử dụng dễ dàng các nền tảng số, dịch vụ số thiết yếu do các cơ quan Nhà nước cung ứng; tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện ứng dụng các nền tảng, dịch vụ số và thực hiện các hoạt động giao dịch khác phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày trên môi trường điện tử tăng nhanh.
Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động tiếp cận với các nền tảng số, dịch vụ số để từng bước tiến hành việc CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Trần Thị Huê, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vụ Bản cho biết: Từ thực tế triển khai cho thấy, CĐS chỉ thành công khi được người dân hiểu và tích cực tham gia để trở thành công dân số.
Thời gian tới, huyện Vụ Bản tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS một cách tích cực, hiệu quả; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc CĐS, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số của huyện những năm tới./.
Theo Nguyễn Hương (Báo Nam Định)