Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước

Năm 2024, TPHCM quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số với nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó bảo đảm 100% chữ ký số áp dụng trong nội bộ các cơ quan nhà nước và mỗi cơ quan thực hiện cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử từ 2-3 thủ tục.

UBND xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TPHCM công khai mã QR các thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH

UBND xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TPHCM công khai mã QR các thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH

Thuận lợi đôi đường

Sở Công thương TPHCM hiện đang tiếp nhận, giải quyết tổng cộng 116 thủ tục hành chính (TTHC) ở các mức độ khác nhau. Với số lượng TTHC này, bình quân mỗi năm sở tiếp nhận trên 90.000 hồ sơ hành chính, tương đương 350-400 hồ sơ/ ngày. Dù sở đã triển khai các giải pháp như đặt lịch lấy số thứ tự nộp hồ sơ, hỗ trợ tư vấn hướng dẫn thực hiện TTHC qua điện thoại, qua cổng thông tin điện tử…, nhưng mỗi ngày có hơn 300 người đến trụ sở cơ quan thực hiện TTHC.

Thực trạng này không chỉ tạo áp lực cho công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, mà còn gây phiền hà, tốn kém cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, Sở Công thương đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cũng như giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Để nâng cao hiệu quả sử dụng chữ ký số, sở triển khai đăng ký đồng loạt cho công chức sử dụng, thực hành trong xử lý văn bản, dữ liệu, TTHC.

Song song đó, sở hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số để tiếp cận các dịch vụ công, TTHC được nhanh chóng, thuận tiện hơn. Kết quả, trong năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến có chữ ký số đạt 96,5%, việc giải quyết TTHC có chữ ký số đạt 100%, số văn bản phát hành có sử dụng chữ ký số đạt 100%.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú, việc áp dụng chữ ký số đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp nói chung và Sở Công thương nói riêng. Đó là, người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng, thuận tiện. Kết quả giải quyết được trả ngay sau khi công chức của sở xử lý xong mà không phải chờ đến ngày hẹn trả kết quả. Doanh nghiệp có thể sử dụng kết quả điện tử để thực hiện các công việc khác có liên quan.

Bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thông tin, quận đã áp dụng chữ ký số, chứng thư số cơ quan và gắn mã QR tra cứu để thực hiện cấp giấy phép điện tử, cải tiến quy trình giải quyết TTHC trực tuyến. Việc mở rộng ứng dụng chữ ký số kết hợp mã QR trên giấy phép và nâng cấp nhiều tính năng tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch không phải thực hiện việc khai báo trực tiếp. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân sử dụng những tài liệu, công cụ sẵn có để giao dịch, tương tác với hệ thống thay cho việc tiếp xúc trực tiếp với công chức tại bộ phận một cửa quận - phường.

Tiến tới nói không với văn bản giấy

Từ tháng 6-2023, Sở TT-TT TPHCM phối hợp các đơn vị cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân trong thời hạn 1 năm để hỗ trợ người dân sử dụng chữ ký số, tạo thuận lợi hơn khi làm hồ sơ trực tuyến. Ngay sau đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đăng ký sử dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC. Các sở, ngành, địa phương cũng đẩy mạnh áp dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC.

Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, huyện đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM. Đến nay, huyện đã triển khai đến tất cả cơ quan, đơn vị về ứng dụng chữ ký số, chứng thực điện tử trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị và trao đổi công việc với các đơn vị khác trên môi trường mạng bằng văn bản điện tử. Năm 2024, huyện tiếp tục tập trung phát triển dữ liệu số, tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đẩy mạnh việc số hóa và sử dụng dữ liệu có hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các hồ sơ điện tử về dịch vụ công cần được quản lý bằng các hệ thống quản lý hồ sơ. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng tại các cơ quan nhà nước; ứng dụng chữ ký số đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử trên các thiết bị di động thông minh, hướng đến không sử dụng văn bản giấy.

Song, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú nhìn nhận, thực tế việc triển khai cũng còn những hạn chế, như tuy có chữ ký số nhưng doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu nộp văn bản giấy có dấu đỏ khi nộp hồ sơ ở một số đơn vị. Do đó, Sở Công thương đề nghị các cơ quan, đơn vị công nhận kết quả giải quyết TTHC điện tử có sử dụng chữ ký số. TPHCM cũng cần ban hành quy chế, quy định việc sử dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến và tích hợp giải pháp ký số, đặc biệt là giải pháp ký số từ xa vào cổng dịch vụ công để tạo thuận lợi cho người dân tham gia các TTHC.

Tại phiên họp thứ 3 của Tổ công tác cải cách TTHC của Chủ tịch UBND TPHCM mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan (tổ trưởng tổ công tác) yêu cầu phải ứng dụng phổ biến chữ ký số trong nội bộ cơ quan nhà nước, mọi công chức phải sử dụng chữ ký số trong quy trình nội bộ. Đồng chí yêu cầu Sở TT-TT TPHCM chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát việc thực hiện quy định về quản lý và sử dụng chữ ký số. Từ đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để phù hợp với quy định của Trung ương và thực tiễn tại TPHCM, đề xuất lộ trình hướng đến việc cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, năm 2024, bảo đảm 100% chữ ký số áp dụng trong nội bộ các cơ quan nhà nước và mỗi cơ quan thực hiện cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử từ 2-3 TTHC.

ĐÔNG SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/day-manh-ung-dung-chu-ky-so-trong-co-quan-nha-nuoc-post733541.html