Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Cán bộ phòng một cửa huyện Sông Hinh tiếp nhận hồ sơ, thủ tục của người dân (ảnh chụp trước ngày 23/6). Ảnh: NGÔ XUÂN

Thời gian qua, tỉnh Phú Yên triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính (CCHC). Đối với các huyện miền núi, công tác này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

Nỗ lực đầu tư

Để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong CCHC, huyện Sông Hinh đã trang bị máy tính, xây dựng hạ tầng truyền thông tốc độ cao, đa dịch vụ; có sự liên kết với các hệ thống thông tin nội bộ của các ban ngành, xã, thị trấn… nhằm đáp ứng yêu cầu về ứng dụng CNTT trên địa bàn.

Cụ thể, hệ thống phần mềm quản lý văn bản eOffice đã được triển khai tại 11 xã, thị trấn; giúp xử lý và gửi trực tiếp văn bản của huyện đến các địa phương, đơn vị. Về thư điện tử công vụ, năm 2020 huyện Sông Hinh triển khai song song gửi văn bản giấy và văn bản điện tử, đến năm 2021 chuyển hoàn toàn sang văn bản điện tử. Địa phương cũng đã cấp chữ ký số cho lãnh đạo huyện, xã và các phòng, ban; tích hợp chữ ký số trong phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Về thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường cập nhật, xử lý hồ sơ trên cổng dịch vụ công; đảm bảo 100% thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp trên trang thông tin điện tử.

Tương tự, huyện Đồng Xuân cũng trang bị máy tính kết nối internet, sử dụng phần mềm quản lý văn bản vOffice từ tuyến huyện, xã. Trên 80% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thư điện tử để trao đổi công việc; 100% cơ quan dùng chữ ký số để phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng. Trong 6 tháng đầu năm, huyện Đồng Xuân phát sinh hồ sơ 15 loại TTHC mức độ 3, trong đó có 278/782 hồ sơ được xử lý trực tuyến. 5 loại TTHC mức độ 4 có phát sinh hồ sơ; trong đó số hồ sơ được xử lý trực tuyến là 41/41. Số hồ sơ trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích là 53/1.302 hồ sơ. Điều này bước đầu đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khi cần thực hiện các TTHC cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, cho biết: Từ khi huyện tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến, tôi không phải đi lại nhiều như trước đây. Thêm vào đó, việc xử lý hồ sơ trực tuyến có thời gian hẹn xử lý cụ thể trên cổng dịch vụ công nên hạn chế phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân; đồng thời tạo điều kiện cho người dân kiểm tra quá trình thực hiện chức trách của công chức nhà nước. Việc TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương được công khai, minh bạch, đang từng bước đơn giản và chuẩn hóa, củng cố tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, làm tăng tính dân chủ trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Còn nhiều khó khăn

Huyện Sơn Hòa vừa thành lập đội hỗ trợ CNTT, hoàn thành tỉ lệ văn bản điện tử trên trục liên thông tỉnh đạt 100%. Trong 6 tháng đầu năm, địa phương này đã tiếp nhận 2.112 hồ sơ trên cổng dịch vụ công của tỉnh. 75% công chức, viên chức sử dụng thư công vụ. UBND huyện và phần lớn các phòng, ban và một số xã thực hiện văn bản ký số, văn bản số hóa đối với công văn đến và công văn đi, hướng đến thực hiện văn phòng không giấy… Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong CCHC của huyện còn rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, cho biết: Là huyện miền núi khó khăn, việc ứng dụng CNTT trên địa bàn huyện còn khá hạn chế. Một số lãnh đạo ngành, địa phương chưa thật sự phát huy vai trò chỉ đạo, tiên phong trong ứng dụng CNTT; trong khi đội ngũ chuyên trách còn thiếu và yếu nên hiệu quả ứng dụng chưa cao. Hệ thống ứng dụng chuyên ngành chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ, chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung. Việc liên thông, kết nối hệ thống “một cửa điện tử” của địa phương với các sở, ngành chưa thực hiện được. Các phương tiện hỗ trợ còn thiếu, yếu nên còn gặp khó khăn trong thông tin đến các địa phương vùng sâu, miền núi.

Tương tự, tại huyện Sông Hinh, khó khăn lớn nhất của việc thúc đẩy ứng dụng CNTT trong CCHC là chưa có cán bộ chuyên trách để xử lý, khắc phục những điểm còn thiếu, yếu về CNTT. Địa phương cũng chưa bố trí đủ kinh phí để đầu tư đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT như chữ ký số, họp trực tuyến; nhất là ở cấp xã. Thêm vào đó, một số lãnh đạo các phòng ban, các xã vẫn chưa thật sự quan tâm đầu tư cho CNTT. Đặc biệt là tại một số xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, khả năng ứng dụng CNTT còn khá hạn chế.

Đề xuất tăng nguồn lực và kinh phí

Nhận thấy những hạn chế nêu trên, thời gian tới huyện Sơn Hòa tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc phát triển Chính quyền điện tử trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với CCHC; đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp; tích cực thực hiện chuyển đổi số. Địa phương cũng nghiên cứu tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CNTT phục vụ phát triển; đề xuất tăng nguồn lực và kinh phí để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về thông tin truyền thông; phát huy nguồn từ vận động xã hội hóa.

Trong khi đó, huyện Đồng Xuân đã xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2021. Cụ thể, địa phương này đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng CNTT trong hoạt động của huyện; tăng cường tương tác để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhằm khuyến khích các đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong triển khai Chính quyền điện tử và hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Địa phương cũng đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác để ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới, các giải pháp tích hợp, sản phẩm CNTT phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử…

Theo ông Nguyễn Hữu Từ, mục tiêu của kế hoạch là nhằm xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của huyện; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Huyện còn tăng cường tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, đơn giản hóa TTHC; nâng cao tỉ lệ gửi văn bản điện tử cũng như tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí trong hoạt động cơ quan nhà nước. Nâng cao vị trí xếp hạng về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển chính quyền điện tử (ICT Index), chỉ số thành phần về hiện đại hóa nền hành chính trong bộ chỉ số CCHC (PAR Index) của huyện.

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong CCHC, người đứng đầu các địa phương cần bố trí nguồn nhân lực, kinh phí; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch và triển khai hiệu quả phù hợp. Tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức về CNTT cho lãnh đạo công chức, viên chức địa phương. Tận dụng nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp viễn thông - CNTT để đảm bảo các dịch vụ của chính quyền đối với người dân. Truyền thông thường xuyên và sâu rộng đến người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo minh bạch thông tin, tránh nhũng nhiễu, tạo niềm tin và sự đồng thuận của người dân.

Ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT-TT

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/261429/day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-cai-cach-hanh-chinh.html