Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và vật liệu mới trong nuôi biển

Trong rất nhiều khó khăn từ đánh bắt, nhiều địa phương đang chuyển dịch và chú trọng nuôi biển. Khu vực Nam Trung bộ có diện tích nuôi biển khá lớn. Nhiều năm nay, các địa phương có thế mạnh nghề nuôi tôm hùm và cá lồng đang đẩy mạnh ứng công nghệ mới để nuôi biển, đặc biệt nuôi biển theo hướng công nghiệp.

Tại vùng biển Khánh Hòa, nghề nuôi biển đã có những thay đổi. Ông Hòa là một trong những người đầu tiên chuyển từ lồng nuôi thủy sản bằng gỗ sang lồng nuôi bằng vật liệu HDPE. Chỉ với điện thoại trong tay, ở bất cứ đâu, ông Hòa cũng có thể giám sát lồng nuôi của mình. Ưu điểm mô hình này là có khả năng chống chịu bão cấp đến cấp 12 và năng suất nuôi đạt cao hơn. Nỗi ám ảnh về những trận bão làm tan hoang lồng bè thủy sản, mất người, mất của, giờ phần nào đã nhẹ bớt.

Trong khi đó, tại hai tỉnh Phú Yên và Bình Định, với đặc trưng là vùng biển hở, bị ảnh hưởng trực tiếp của gió bão, nhưng nuôi biển của hai tỉnh chưa được quan tâm đầu tư phát triển lồng nuôi HDPE. Do vậy, việc liên kết sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ cho nuôi biển càng trở nên cấp thiết để tạo thành chuỗi hiệu quả.

Cách làm tỉnh Khánh Hòa triển khai được xem là bước đi phù hợp để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra cũng như hướng đến nuôi biển công nghiệp bền vững. Nhưng giá trị đầu tư cho mỗi lồng nuôi bằng vật liệu HDPE cao gấp 4-5 lần so với gỗ truyền thống. Đối với người nuôi, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Vì vậy, tháo gỡ những nút thắt về vốn đầu tư được xem là giải pháp căn bản để từng bước giúp người nuôi biển tiếp cận công nghệ nuôi biển hiện đại, bền vững. Đây cũng là hướng đi tất yếu để phát triển công nghiệp nuôi biển vốn còn nhiều dư địa tại Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Bảo Lâm

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/day-manh-ung-dung-cong-nghe-va-vat-lieu-moi-trong-nuoi-bien