Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
ĐBP - Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các đề tài, dự án KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng KHCN đã đóng góp tích cực trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng, tăng thu nhập cho người nông dân.
Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình nuôi vịt lai thương phẩm (vịt Nà Tấu và vịt Super Meat).
Giai đoạn 2016 - 2020, Sở KHCN đã triển khai 6 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia; 48 nhiệm vụ cấp tỉnh và xây dựng 53 mô hình ứng dụng cấp huyện trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trong sản xuất và đời sống, như: Nuôi cá hồi tại xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo); nuôi cá tầm thương phẩm tại Pe Luông (huyện Điện Biên); ghép nhãn nhân tạo tại TP. Điện Biên Phủ... Nhiều mô hình sản xuất đã được chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành Nông nghiệp tỉnh.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình ương cá giống và nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao trên địa bàn tỉnh” do Công ty TNHH Luyện Thùy Điện Biên chủ trì phối hợp với HTX Thủy sản Hương Phú là một trong những đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN mang lại hiệu quả cao. Dự án được thực hiện tại bản Khá, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) với quy mô 1,2ha ương cá giống và 2ha nuôi cá trắm đen thương phẩm. Thời gian thực hiện từ tháng 5/2018 - 4/2021. Thành viên tham gia dự án được tiếp nhận và làm chủ các tiến bộ KHCN về quy trình ương cá giống và nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao.
Đại diện Công ty TNHH Luyện Thùy Điện Biên cho biết: Mô hình ương cá giống với quy mô nuôi thả 18.000 con cá giống trọng lượng 50 - 70g/con. Sau 8 tháng nuôi thu được 5,43 tấn cá giống cỡ trung bình (330g/con). Giá bán cá giống trắm đen trên địa bàn tỉnh dao động khoảng 60.000 đồng/con; trừ các chi phí đầu tư thu được lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/ha/8 tháng nuôi. Còn đối với mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm với quy mô 2ha, tổng số cá giống thả 10.000 con, sau 17 tháng nuôi, tổng sản lượng thu được trên 14 tấn/ha với trọng lượng trung bình đạt 3,46kg/con. Với giá bán trung bình tại thị trường Điện Biên 120 - 140 nghìn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư cho lợi nhuận trên 600 triệu đồng/ha/17 tháng nuôi.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sinh sản và nuôi vịt lai thương phẩm (lai vịt Nà Tấu và vịt Super Meat) đảm bảo an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh” do Công ty TNHH Hương Phú Điện Biên chủ trì. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng thành công mô hình chăn nuôi vịt bố mẹ và thương phẩm; phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vịt lai theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả nuôi vịt, cải thiện đời sống cho nông dân, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời góp phần bảo tồn giống vịt Nà Tấu. Thời gian thực hiện dự án từ 8/2020 - 8/2022.
Tham gia mô hình, người dân được chuyển giao các tiến bộ KHCN về quy trình kỹ thuật nhân giống vịt bố mẹ; quy trình nuôi và quy trình phòng trừ dịch bệnh cho vịt. Dự án gồm: Mô hình chăn nuôi vịt bố mẹ và nhân giống vịt có quy mô 2.000 vịt mái và 400 vịt đực; mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm quy mô trang trại; mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm quy mô nông hộ (mỗi hộ nuôi 500 - 1.000 con vịt thương phẩm/năm). Hiện nay qua đánh giá sơ bộ, tốc độ sinh trưởng và phát triển của đàn vịt rất tốt, tỷ lệ sống cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế lây lan dịch bệnh. Đồng thời người dân đã tiếp cận KHCN mới từ quy trình nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường nên hiệu quả kinh tế mô hình cao hơn so với nuôi theo tập quán truyền thống.
Theo ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Thông qua triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN, nhiều kỹ thuật sản xuất tiên tiến đã được chuyển giao. Qua thống kê, có khoảng 60% sản phẩm KHCN được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Các mô hình ứng dụng KHCN đã đóng góp tích cực trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Hàng trăm kỹ thuật viên, hàng nghìn người dân được tập huấn kỹ thuật đã góp phần thay đổi nhận thức về ứng dụng KHCN trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi.