Đẩy mạnh ứng dụng truy xuất nguồn gỗ hợp pháp

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 1,86 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2020. Đến nay, Đồng Nai vẫn tiếp tục giữ vững vị trí xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 cả nước.

Gỗ cao su là một trong những nguyên liệu gỗ hợp pháp cho ngành sản xuất gỗ. Ảnh: V.Gia

Gỗ cao su là một trong những nguyên liệu gỗ hợp pháp cho ngành sản xuất gỗ. Ảnh: V.Gia

Mặc dù vậy, nguồn nguyên liệu cho chế biến, sản xuất gỗ đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguyên liệu gỗ trồng trong nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thế giới. Để phát triển bền vững nguồn nguyên liệu, ngành gỗ đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

* Thiếu nguồn nguyên liệu bền vững

Bên cạnh nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, Đồng Nai cũng có diện tích rừng trồng tương đối nhưng khó khăn hiện nay đối với ngành gỗ là nguồn nguyên liệu gỗ trong nước từ rừng trồng có chất lượng chưa cao.

Theo Sở NN-PTNT, tỉnh hiện có khoảng 200 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, khoảng 40 ngàn ha rừng phòng hộ, 35 ngàn ha rừng sản xuất, gần 40 ngàn ha trồng cao su cùng với diện tích đáng kể cây trồng phân tán. Do Đồng Nai đã thực hiện chủ trương đóng cửa rừng từ năm 1997 nên không còn nguồn nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng tự nhiên. Diện tích rừng trồng chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu nguyên liệu mỗi năm, tập trung vào 2 loại gỗ cao su và tràm, nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của ngành. Sự liên kết hợp tác giữa người trồng rừng và nhà sản xuất chế biến gỗ chưa nhiều và chặt chẽ, doanh nghiệp (DN) khó chủ động được nguồn nguyên liệu, giá cả không ổn định.

Nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nên hầu hết DN phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Giá nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ nước ngoài liên tục tăng nên việc xây dựng, phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững là rất cần thiết.

Mục tiêu của đề án Sản xuất, chế biến lâm sản Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 là đảm bảo 100% sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gỗ hợp pháp. Do vậy, tỉnh đẩy mạnh liên kết giữa người trồng rừng và DN chế biến gỗ, tổ chức liên kết tạo ra nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp nhằm đáp ứng cho ngành sản xuất gỗ trong tỉnh và các địa phương lân cận. Riêng năm 2022, Đồng Nai phấn đấu đạt xuất khẩu trên 2 tỷ USD, tiến hành xây dựng sàn giao dịch gỗ điện tử, bán hàng trực tiếp qua sàn giao dịch, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thương hiệu sản phẩm gỗ Việt.

* Ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc gỗ

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho hay, Đồng Nai đang tạo lập vùng nguyên liệu là rừng trồng cây gỗ lớn và rừng trồng phải có chứng chỉ FSC để đạt tiêu chuẩn cho chế biến gỗ xuất khẩu. Đối với rừng trồng này cũng phải liên kết thành chuỗi với những người chế biến và tiêu thụ lâm sản.

Ông VÕ QUANG HÀ, Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico), đơn vị cung ứng nguyên liệu gỗ lớn nhất Đồng Nai và khu vực, cho hay DN đang đẩy mạnh hợp tác với các chủ rừng, người trồng rừng diện tích lớn nhằm cân bằng giữa gỗ trong nước và nguyên liệu nhập khẩu. Ứng dụng công nghệ trong truy xuất gỗ là giải pháp mà DN đang xây dựng để vừa có được nguồn nguyên liệu gỗ trồng hợp pháp, vừa khuyến khích người dân, cơ sở trồng rừng nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng trong nước.

Để hỗ trợ các DN trong việc liên kết với tổ chức, cá nhân trồng rừng lớn, Sở NN-PTNT vừa phối hợp với Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai giới thiệu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gỗ.

Theo đó, trên địa bàn một số tỉnh như: Đồng Nai, Đắk Lắk, Tây Ninh… đã thử nghiệm hệ thống giải trình và truy xuất nguồn gốc gỗ HAWA DDS. Nền tảng này được tích hợp với các tính năng phù hợp, đơn giản trên điện thoại, máy tính có thể giúp các DN, hộ dân sử dụng dễ dàng. Khi các DN kinh doanh gỗ tham gia vào hệ thống HAWA DDS, toàn bộ các thông tin về nguồn gốc gỗ sẽ được xác minh và cấp chứng nhận hợp pháp. Đây là công cụ giúp DN gỗ nâng cao cơ hội bán hàng. Ngoài ra, việc thu thập và lưu trữ hồ sơ hợp pháp của gỗ từ những nhà cung cấp tuyến trên (chủ rừng, nhà xuất khẩu gỗ…) cũng trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều, tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian và nhân lực cho công tác lưu trữ, chứng minh và xác minh nguồn gốc.

Ông Đào Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý và phát triển dự án HAWA DDS cho biết, đây là dự án được tài trợ bởi chương trình FAO-EU FLEGT của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp LHQ. Áp dụng giải pháp này các DN sản xuất đồ gỗ Việt Nam chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc các loại gỗ được sử dụng. HAWA DDS được phát triển bởi Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM và được chấp thuận bởi Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202204/day-manh-ung-dung-truy-xuat-nguon-go-hop-phap-3111538/