Đẩy mạnh việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý
Ngày 27-7, lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Công Thương. Sau hai vòng thi tuyển, ứng viên Lưu Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã trúng cử chức danh Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk.
Người dân chúng tôi ủng hộ cách làm này bởi việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý sẽ phát huy được sự dân chủ, công khai, minh bạch trong việc phát hiện, sử dụng người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tham gia vào bộ máy chính quyền. Mặt khác, việc tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, qua đó hạn chế những tiêu cực trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, đặc biệt là tình trạng cục bộ địa phương, bè phái trong công tác tổ chức cán bộ…
Chúng tôi thấy, việc tổ chức thi tuyển ở Đắk Lắk được tiến hành qua hai vòng: Sau khi hoàn thành phần thi viết, các ứng viên phải trình bày Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020-2025” trước Hội đồng thi tuyển. Tôi cho rằng, cách làm này rất phù hợp bởi các ứng viên cùng với việc nắm chắc các vấn đề về lý luận, còn phải nêu bật được những vấn đề thực tiễn ngành Công Thương của địa phương đang đặt ra, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương phù hợp với điều kiện và sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuyển được cán bộ, lãnh đạo có đủ đức, đủ tài là việc làm rất quan trọng để có bộ máy hành chính lành mạnh, đất nước ngày càng phát triển. Người dân chúng tôi mong muốn việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý sẽ được tổ chức sâu, rộng hơn nữa; đặc biệt cần hoàn thiện quy chế, quy trình thi tuyển bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả để chọn ra được những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công việc đề ra...