Đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số
Xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực nhằm mang lại nhiều tiện ích cho cả chính quyền và người dân.
Là địa phương được tỉnh chọn làm đơn vị điểm trong việc thực hiện chuyển đổi số, Trần Đề đã định hướng các nội dung cụ thể, phù hợp trong quá trình triển khai. Theo đó, công tác chuyển đổi số huyện Trần Đề được triển khai trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trong lĩnh vực chính quyền số, các hoạt động hội nghị, cuộc họp trực tuyến đã được huyện Trần Đề triển khai ổn định từ huyện đến các xã, thị trấn. Việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số, phần mềm chuyên ngành… của cán bộ, công chức, viên chức trong các phòng, ban ngành, đơn vị sự nghiệp và UBND xã, thị trấn cũng đều được thực hiện tốt. Hiện nay, tỷ lệ văn bản được xử lý qua môi trường điện tử của các cơ quan, đơn vị đạt tỷ lệ 90% trở lên, 95% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành để xử lý văn bản.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Trần Đề, trong năm qua, huyện đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh... đẩy mạnh phát triển kinh tế số đối với lĩnh vực đặc trưng, thế mạnh của huyện gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống trên địa bàn xã, thị trấn và giải pháp hóa đơn điện tử, biên lai điện tử, sử dụng ví điện tử như: VNPT Pay, ví Viettel money... Trong lĩnh vực này, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của các tổ công nghệ số cộng đồng, người dân trên địa bàn huyện đã dần quen với việc thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với hóa đơn điện, nước, mua sắm. Qua đó, đã có gần 2.800 người dân cài đặt ví, có 565 điểm chấp nhận thanh toán bằng ví và có 333 ví phát sinh giao dịch.
Thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng ở xã Đại Ân 2 hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: THIỆN HẢI
Trên cơ sở lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm - đối tượng chính thụ hưởng thành quả của quá trình chuyển đổi số, UBND thị trấn Lịch Hội Thượng đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số. Theo đồng chí Liên Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lịch Hội Thượng, trong lĩnh vực kinh tế số, hiện nay có 100% cán bộ, công chức và cán bộ ấp sử dụng ví điện tử và thanh toán lương bằng hình thức chuyển khoản qua các ứng dụng ngân hàng. Thị trấn cũng đưa chuyển đổi số vào một số mô hình sản xuất nông nghiệp như: tưới phun tự động, ứng dụng máy bay không người lái vào sản xuất lúa. Các quán cà phê, giải khát và căn tin tại khu hành chính thị trấn và trên 60% quán ăn có in mã QR để khách hàng có thể thanh toán bằng ví điện tử.
Đối với lĩnh vực xã hội số, việc ứng dụng truyền thanh thông minh trong phát thanh được thực hiện linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa hoặc từng khu vực trên địa bàn huyện. Với giải pháp này, đơn vị thực hiện đặt lịch phát thanh theo giờ, ngày hoặc tuần để tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Ngoài ra, huyện cũng hướng dẫn người dân đăng ký và cài đặt ứng dụng định danh điện tử (VneID), góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ công trên môi trường điện tử. Chỉ tính riêng tại xã Đại Ân 2 đã có 80% người dân có mã số định danh và cài đặt VSSID để tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trên 75% người dân có điện thoại thông minh có cài đặt sổ sức khỏe điện tử; phần mềm VSSID của bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Sau nhiều nỗ lực, công tác chuyển đổi số của huyện đã có những chuyển biến nhất định. Tuy vậy, do đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ nên vẫn còn nhiều người dân, doanh nghiệp chưa hiểu hết về tầm quan trọng cũng như lợi ích về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ở các ấp khó khăn còn rất ít cũng như khả năng tiếp cận công nghệ dẫn đến sử dụng dịch vụ công chưa nhiều và thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới, theo lãnh đạo huyện Trần Đề, huyện sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trên địa bàn huyện về chuyển đổi số nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để thu hút, định hướng người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình giao dịch không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống và một số cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú; tiếp tục thực hiện mô hình sử dụng quét mã QR để truy cập tài liệu cuộc họp, hội nghị thay vì in và phát tài liệu bằng giấy, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị họp và họp, giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác.
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực. Những chuyển biến tích cực trong năm 2022 là tiền đề để tạo đà cho huyện tiếp tục thực hiện các mục tiêu tiếp theo trong hành trình chuyển đổi số.