Đẩy mạnh xây dựng văn hóa công sở

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị ở tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh xây dựng văn hóa công sở, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

 Cán bộ, công chức xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) tổ chức chào cờ và sinh hoạt tư tưởng dưới cờ vào sáng thứ 2 hằng tuần - Ảnh: A.Q

Cán bộ, công chức xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) tổ chức chào cờ và sinh hoạt tư tưởng dưới cờ vào sáng thứ 2 hằng tuần - Ảnh: A.Q

Văn hóa công sở (VHCS) là hệ thống những giá trị niềm tin, sự mong đợi của các thành viên trong tổ chức, tác động qua lại với các cơ cấu chính thức và tạo nên những chuẩn mực hành động về truyền thống và cách thức làm việc của tổ chức mà mọi người trong đó đều tuân theo. VHCS được hình thành trong quá trình hoạt động của công sở, tạo nên niềm tin giá trị về thái độ của các cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), ảnh hưởng đến cách làm việc và hiệu quả hoạt động của công sở. VHCS được biểu hiện qua trang phục, thái độ làm việc, tinh thần đoàn kết, hành vi, thái độ ứng xử của đội ngũ CBCCVC; cách thức tổ chức, điều hành hoạt động của công sở; trang bị phương tiện làm việc và bài trí công sở… Thực tế cho thấy, kể từ khi Quy chế Văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước được ban hành theo Quyết định 129/2007/ QĐ-TTg, ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng, hình thành VHCS đã có nhiều tác động tích cực, không ngừng gia tăng giá trị văn hóa trong hoạt động công vụ ở các cơ quan công quyền, thúc đẩy sự phát triển của nền hành chính công vụ.

Ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch UBND Phường 4, thành phố Đông Hà cho biết: “Để xây dựng VHCS, cán bộ, công chức phường coi trọng xây dựng tình đoàn kết, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế làm việc, nhất là thời gian, quy trình giải quyết công việc, xây dựng tác phong, lề lối làm việc văn minh, chuyên nghiệp và gần dân, tôn trọng dân. Cùng với đó địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp trụ sở làm việc khang trang, sạch đẹp, bố trí nơi làm việc của cán bộ, công chức khoa học, có các trang thiết bị thiết yếu để phục vụ công việc… VHCS được đề cao đã tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, người dân tin tưởng vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, hài lòng với công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương”.

Nhiều năm nay, Sở Giao thông Vận tải được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi và sự hài lòng cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân đến làm việc. Đặc biệt, tại trụ sở của đơn vị trước đây cũng như nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của ngành giao thông vận tải tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh hiện nay, việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy trình, quy định và thời gian giải quyết 118 thủ tục hành chính, trong đó có 60 thủ tục được xử lý trực tuyến ở mức độ 4. Nhờ vậy, năm 2019 và 2020, Sở Giao thông Vận tải lần lượt được xếp loại thứ 2, thứ 3 về giải quyết tốt thủ tục hành chính trong 20 sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. “Đóng góp quan trọng vào kết quả này là nhờ đơn vị luôn quan tâm xây dựng VHCS, nhất là nâng cao đạo đức công vụ, năng lực công tác của cán bộ, công chức, thực hiện tốt việc nêu gương, nêu cao trách nhiệm công vụ của người đầu. Cùng với đó là kịp thời nắm bắt, giải quyết nhanh các ý kiến góp ý, phản ánh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn”, Chánh Văn phòng Sở Giao thông Vận tải Trần Ngọc Sơn cho biết.

Để xây dựng VHCS, Văn phòng UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả. Nổi bật như đã ban hành Quy định số 78/QĐ-VP, ngày 6/2/2015 về việc thực hiện quy chế văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của CBCCVC Văn phòng UBND tỉnh. Trong đó, quy định chi tiết trang phục, lễ phục; bài trí công sở và phòng làm việc; ứng xử của CBCCVC trong thi hành nhiệm vụ, những việc phải chấp hành và những việc không được làm; ứng xử của CBCCVC trong quan hệ xã hội; xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện. Thực hiện tốt quy định này là nền tảng để đơn vị thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ là tham mưu tổng hợp, giúp UBND tỉnh tổ chức các hoạt động; tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành các hoạt động chung của bộ máy hành chính ở địa phương; bảo đảm cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh…

Có thể thấy rằng, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã coi trọng xây dựng VHCS, qua đó xây dựng đội ngũ CBCCVC ngày càng hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, có tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, xây dựng VHCS vẫn còn những hạn chế. Nhất là nhận thức về VHCS của một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, chưa thấy được mối quan hệ biện chứng giữa VHCS với hiệu quả hoạt động và hiệu suất công việc. Vẫn còn tình trạng một bộ phận CBCCVC chưa chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc; tính tự quản, tự giác chưa cao và tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm…

Để tạo bước chuyển biến tích cực hơn nữa trong xây dựng VHCS, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh về nhiệm vụ này. Trong đó, coi trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của văn hóa công vụ nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho CBCCVC về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ CBCCVC có kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp. Đẩy mạnh các phong trào, hoạt động thi đua thực hiện VHCS; kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu và cách làm hay trong thực thi công vụ và xây dựng văn hóa công vụ.

Anh Quân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=156077&title=day-manh-xay-dung-van-hoa-cong-so