Đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông trong học đường

Các trường học luôn chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông cũng như tuyên truyền luật giao thông cho học sinh, sinh viên.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ về văn hóa giao thông cho sinh viên.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ về văn hóa giao thông cho sinh viên.

Nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông

Ngày 23/12 vừa qua, FPT PolySchool (tiền thân là Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic) tổ chức buổi tọa đàm “Sinh viên và văn hóa giao thông” với mong muốn giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cần thiết cho sinh viên.

Tham gia tọa đàm còn có sự góp mặt của Đoàn tuyên truyền thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 6-Những người mang sứ mệnh lan tỏa văn hóa giao thông.

Tại buổi tọa đàm, sinh viên đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ từ Thiếu tá Nguyễn Ngọc Vũ thuộc, Đội CSGT số 6. Bằng những câu chuyện thực tế đầy xúc động và những bài học xương máu khi tham gia giao thông, Thiếu tá Vũ không chỉ truyền tải kiến thức mà còn khơi dậy ý thức trách nhiệm trong mỗi người tham gia cũng như đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao văn hóa giao thông cho sinh viên.

Qua mỗi câu chuyện, sinh viên FPT PolySchool tham gia chương trình nhận ra rằng, sự chủ quan nhỏ trong một khoảnh khắc có thể dẫn đến những hậu quả lớn, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn đến cả cộng đồng. Sự hiện diện của các chuyên gia đã giúp buổi tọa đàm trở thành cầu nối giữa lý thuyết và thực tế, mang đến cho sinh viên những bài học quý giá về ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông.

 Sinh viên FPT PolySchool câu hỏi với diễn giả tại buổi tọa đàm

Sinh viên FPT PolySchool câu hỏi với diễn giả tại buổi tọa đàm

“Sinh viên và văn hóa giao thông” không chỉ đơn thuần là một sự kiện, mà còn là dấu ấn cho sự nỗ lực của FPT PolySchool trong việc giáo dục sinh viên trở thành những công dân có ích. Mong muốn thông qua buổi tọa đàm, mỗi sinh viên sau buổi tọa đàm sẽ trở thành những đại sứ của văn hóa giao thông văn minh, góp phần lan tỏa và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Thầy Bùi Quang Hùng, Giám đốc FPT PolySchool chia sẻ: “Chúng tôi luôn nỗ lực tạo nên môi trường giáo dục toàn diện, nơi sinh viên không chỉ được học tập mà còn được rèn luyện kỹ năng để trở thành những công dân có ích. Tọa đàm chính là lời cam kết của nhà trường trong việc đồng hành cùng sinh viên trên hành trình xây dựng ý thức văn hóa và trách nhiệm cộng đồng”.

Đa dạng hoạt động tuyên truyền

Đối với học sinh phổ thông tại TPHCM, thời gian qua công tác tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn an toàn khi tham gia giao thông... là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, đang được các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố triển khai thường xuyên.

Mới đây, Trường THPT Nguyễn Công Trứ phối hợp tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại Chương trình, hơn 1.200 học sinh trường THPT Nguyễn Công Trứ đã được cán bộ Phòng PC08 hướng dẫn một số điều luật cơ bản khi tham gia giao thông, độ tuổi lái xe, cách đội mũ bảo hiểm đúng, cách nhận biết điểm mù của xe tải...

Đội CSGT Công an quận Gò Vấp đã sử dụng xe chuyên dụng của đơn vị giúp các em trải nghiệm, nhận biết “điểm mù’ trên xe tải một cách sinh động và trực quan nhất, từ đó hướng dẫn các em cách nhận biết và phòng tránh hiểm họa đến từ những “góc chết”, điểm mù của xe ô tô.

 Cán bộ CSGT quận Gò Vấp sử dụng xe chuyên dụng giúp các em trải nghiệm, nhận biết “điểm mù” trên xe tải.

Cán bộ CSGT quận Gò Vấp sử dụng xe chuyên dụng giúp các em trải nghiệm, nhận biết “điểm mù” trên xe tải.

Hay trước đó, tháng 11/2024, Trường THPT Phú Nhuận tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh. Theo đó, nhà trường không chỉ mời báo cáo viên đến tuyên truyền, mà còn phối hợp với lực lượng Công an quận Phú Nhuận tổ chức các hoạt động tuyên truyền phong phú, bao gồm việc đặt câu hỏi tìm hiểu luật giao thông và phối hợp với nhà trường để xây dựng tiểu phẩm dựa trên kịch bản của cảnh sát giao thông quận.

Chính học sinh trong đội kịch của Trường THPT Phú Nhuận biểu diễn các tiểu phẩm ngắn, khoảng 5 đến 10 phút, tuyên truyền về những vi phạm thường gặp, như chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, hoặc chở ba.

Thầy Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không chỉ riêng năm nay mà hầu như tất cả các năm, vào đầu năm học, nhà trường luôn có cuộc họp tuyên truyền cho các em về việc chấp hành luật giao thông đường bộ. Thông qua buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường tổ chức ký cam kết không giao xe cho các em khi chưa đủ tuổi và yêu cầu chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm.

“Đây là những hoạt động xuyên suốt từ đầu năm và không chỉ dừng lại ở đầu năm, mà hàng tuần, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở và gửi thông tin vào nhóm lớp trưởng để các em luôn luôn chấp hành luật giao thông khi điều khiển xe trên đường” thầy Tuấn cho hay.

“Đối với nhà trường, có chỉ đạo cho lực lượng căng tin không giữ xe trên 50 phân khối khi học sinh chưa đủ tuổi. Chỉ khi đến học kỳ 2, một số em lớp 12 đủ tuổi và có bằng lái xe, căng tin mới chấp nhận giữ xe cho các em sau khi các em xuất trình giấy phép lái xe”, thầy Tuấn khẳng định.

Minh Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-manh-xay-dung-van-hoa-giao-thong-trong-hoc-duong-post713458.html