Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường

Liên đội Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa) thăm, tặng quà gia đình có công với cách mạng. Ảnh: CTV

Hướng đến giáo dục toàn diện cho học sinh, các trường học đẩy mạnh xây dựng và phát triển phong trào học tập gắn với văn hóa học đường, trong đó tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, lấy việc “dạy làm người” làm trọng tâm.

Giáo dục đạo đức, phát triển năng lực học sinh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các trường học tiếp tục đẩy mạnh là dạy học văn hóa gắn với giáo dục đạo đức, thể thao giúp học sinh phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ. Các trường lồng ghép giáo dục học sinh thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt đội, sinh hoạt lớp, sinh hoạt ngoại khóa, các tiết dạy môn đạo đức, giáo dục công dân, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể, nêu gương người tốt...

Theo cô Đặng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa), nhà trường thành lập các câu lạc bộ (CLB): Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật… Hàng tuần, các CLB sinh hoạt một lần, mỗi học kỳ CLB tổ chức thi một lần nhằm tạo điều kiện cho các em giao lưu học hỏi, trao đổi, chia sẻ trong học tập, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm. “Liên đội trường thường tổ chức sinh hoạt chuyên đề, mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng, phát động phong trào giúp bạn vượt khó... Hàng năm, nhà trường tổ chức các giải thể thao học đường, Hội khỏe Phù Đổng, các trò chơi dân gian cho học sinh như: Kéo co, chạy ba chân, chuyền dây thun bằng ống hút nhựa... Qua đó giúp các em làm việc nhóm, biết yêu thương, chia sẻ, phát huy năng lực, sở trường mỗi em”, cô Đặng Thị Thanh nói.

Cùng với đó, để giáo dục truyền thống cho học sinh, giúp các em tìm hiểu sâu hơn về lịch sử địa phương, đất nước, các trường học còn tổ chức hoạt động về thăm địa chỉ đỏ. Theo Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, hàng năm nhà trường đều tổ chức cho học sinh về thăm Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa), Địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An), Bảo tàng Phú Yên... Đây là những hoạt động ngoại khóa cho các em có trải nghiệm thực tế giúp học tốt các môn giáo dục địa phương, Lịch sử...

Em Mã Đào Thiên Lý, lớp 12B, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cho biết: “Những lần được nhà trường tổ chức về nguồn tại Địa đạo Gò Thì Thùng và Nhà thờ Bác Hồ, chúng em được tìm hiểu lịch sử địa phương, đồng thời ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hiểu kỹ hơn lịch sử đất nước. Ngoài ra, chúng em còn tham gia trò chơi tìm hiểu về lịch sử, các địa danh mình đến, nhờ đó mà em yêu thích môn Lịch sử hơn và biết nhiều hơn về các địa chỉ đỏ này”.

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực

Để tạo môi trường học đường lành mạnh, thân thiện, xây dựng trường học hạnh phúc, các trường học chú trọng công tác thi đua khen thưởng gắn với các phong trào, cuộc vận động Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc học yếu; đổi mới phương pháp dạy học nâng cao hiệu quả giáo dục…

Bên cạnh đó, các trường còn phát động phong trào thi đua Dạy tốt, học tốt, Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, ứng dụng mô hình và thiết kế đồ dùng dạy học nhằm đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học nâng cao hiệu quả giáo dục.

Cô Trần Thị Bích Châu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân (TP Tuy Hòa), cho biết: “Hàng năm nhà trường tổ chức các chuyên đề cấp trường, cấp tổ, trong đó tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, tăng cường về kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự nhận xét đánh giá để phát huy năng lực học sinh tiểu học, năng lực tự chủ, tự học, năng lực tự giải quyết vấn đề, sáng tạo...”.

Còn theo thầy Đỗ Thông, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu (huyện Tuy An), hàng năm nhà trường đều phát động các phong trào thi đua để thầy, trò cùng nỗ lực dạy và học. Trong đó, nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản.

Trong công tác kiểm tra đánh giá, trường chú trọng đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, quá trình phát triển với nhiều hình thức phong phú gắn với năng lực, kỹ năng tự học, hoạt động thực tiễn của từng học sinh. Ngoài ra, trường phát động phong trào xanh - sạch - đẹp, qua đó các khối lớp đảm nhận chăm sóc bồn hoa, cây xanh của lớp mình phụ trách, trực dọn vệ sinh sân trường hàng ngày... nhờ đó mà ngôi trường luôn sạch đẹp, mát mẻ.

Trong công tác xây dựng và triển khai văn hóa ứng xử trong trường học, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường thực hiện xuyên suốt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để giáo dục, rèn luyện phẩm chất, năng lực học sinh để có những hành động đẹp, ứng xử đẹp. Giáo dục đạo đức, ứng xử cũng được lồng ghép vào các phong trào thi đua Dạy tốt, học tốt; hoạt động văn nghệ, thể thao... để các em xích lại gần nhau, hiểu nhau, chia sẻ những cách ứng xử đẹp, giảm vấn đề xung đột, bạo lực học đường.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ngô Ngọc Thư

HIẾU TRUNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/291810/day-manh-xay-dung-van-hoa-hoc-duong.html