Đẩy mạnh xuất khẩu, chủ động trước rủi ro của thị trường

Năm 2024, các doanh nghiệp (DN) xác định bên cạnh những cơ hội lớn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thương mại quốc tế. Cùng với đó, xu hướng xuất khẩu xanh đang tạo nên luật chơi mới trong thương mại toàn cầu, đòi hỏi DN phải chủ động trước cơ hội cũng như ứng phó rủi ro từ thị trường.

Hạn chế khó khăn

Một trong những vấn đề lớn mà ngành dệt may đang đối mặt là cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”... sẽ được áp dụng, buộc DN phải thay đổi để thích ứng. Bên cạnh đó, căng thẳng trên thế giới đang gây áp lực lên chuỗi cung ứng, tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đang khá chậm.

Trước tình hình đó, bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, chia sẻ: “Các DN thuộc hiệp hội tăng cường thông tin, đẩy mạnh giao lưu, kết nối hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ngành dệt may sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng, mặt hàng dựa trên kinh nghiệm có được, đẩy mạnh phát triển bền vững, đáp ứng đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề xanh hóa, giảm phát thải nhà kính. Ngành cũng đầu tư công nghệ, tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng được, nhằm thực hiện giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao”.

Chia sẻ về thực trạng phát triển ngành gỗ của tỉnh Bình Dương hiện nay, bà Phan Thị Hoàng Diệu, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Phan Hoàng Gia (TP.Thủ Dầu Một), cho biết Bình Dương được xem là “thủ phủ” ngành gỗ khi chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Bình Dương hiện có hơn 1.200 DN chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó có hơn 900 DN trong nước và hơn 300 DN nước ngoài. Ngành chế biến gỗ cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, ngành gỗ tỉnh cũng chịu tác động chung của ngành gỗ Việt Nam khi thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm về gỗ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… Đồng thời, tác động kéo dài của dịch bệnh, xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu, vật tư đầu vào, phí nhân công cao.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương

“Trong bối cảnh đó, các DN sản xuất, chế biến gỗ tại tỉnh Bình Dương đang nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới, các giải pháp phát triển bền vững. Trong đó tập trung giải pháp mở rộng kết nối thị trường, thúc đẩy tăng trưởng của xuất khẩu ngành gỗ trong bối cảnh kinh tế xanh, chủ động phát triển các dòng sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng”, bà Phan Thị Hoàng Diệu chia sẻ.

Mặt khác, hiện nay, nghề gỗ và ngành công nghiệp gỗ đang đứng trước thách thức rất lớn về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Phạm Xuân Hòa, Giám đốc Công ty TNHH gỗ An Hòa Phát (TP.Dĩ An), cho biết lực lượng lao động chế biến gỗ chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi đó trình độ kỹ sư, cử nhân hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số lao động ngành gỗ. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành gỗ, các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo kỹ sư gỗ cần xây dựng chương trình đào tạo ngành kỹ nghệ gỗ, nhằm hướng tới đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng đúng đòi hỏi của DN về chuyên môn nghề nghiệp và năng lực sáng tạo.

Bên cạnh đó cần thúc đẩy sự hợp tác giữa DN và nhà trường trong đào tạo, thực tập - kiến tập nâng cao tay nghề của đội ngũ sinh siên. Các DN sẵn sàng trong các hoạt động tiếp nhận sinh viên đến nhà máy, xưởng sản xuất tham quan, trải nghiệm, thực tập, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng tay nghề, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp từ ngành sản xuất, kinh doanh gỗ.

Tích cực đồng hành

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng năm 2024 vẫn còn nhiều vấn đề ngành dệt may phải đối mặt như đơn hàng xuất khẩu giảm, chuỗi cung ứng vẫn rủi ro, chi phí đầu vào cao… Các DN trong ngành cần nỗ lực tối đa để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết trong 2004 và các năm tiếp theo, Bộ Công thương tiếp tục triển khai một số hoạt động để hỗ trợ cho DN xúc tiến, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường. Bộ Công thương sẽ giao cho cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu quy mô lớn, hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn, tiếp tục triển khai các hoạt động tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế lớn của nước ngoài trong các lĩnh vực chuyên ngành, như: Nông sản, đồ uống, thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, dệt may… Đây là những ngành nghề, sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết Sở Công thương sẽ tập trung hơn nữa công tác tuyên truyền về thương mại quốc tế, các vấn đề cần lưu tâm khi tham gia vào thị trường quốc tế cũng như các khuyến nghị liên quan đến thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các lĩnh vực, ngành hàng cụ thể. Để từ đó đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và hoạt động phát triển kinh tế nói chung.

Nhận diện và đánh giá những khó khăn, thách thức của thị trường xuất khẩu năm 2024, các hiệp hội ngành hàng và DN đã xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi hội chợ triển lãm để giới thiệu các sản phẩm, thúc đẩy thương mại điện tử, nâng cao nhận thức của cộng đồng hướng đến nền kinh tế xanh…

TIỂU MY - CẨM TÚ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/day-manh-xuat-khau-chu-dong-truoc-rui-ro-cua-thi-truong-a315629.html