Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga
Với dân số đông, thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng, Nga được đánh giá là một thị trường tiềm năng của các mặt hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng may mặc, nông, lâm, thủy sản. Hơn nữa, từ năm 2016, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực, thuế quan xuất khẩu một số mặt hàng giảm về 0% đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập và cạnh tranh tại thị trường Nga. Nắm bắt xu hướng và tận dụng cơ hội thuận lợi, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, nỗ lực xúc tiến các hoạt động thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
Sản xuất dứa đóng hộp xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Đồng Xanh.
Ý định kinh doanh mặt hàng xuất khẩu, anh Hoàng Ngọc Hà, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành đã mất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và quyết định đầu tư phát triển ở lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu. Năm 2017, anh đã mạnh dạn đầu tư xưởng chế biến các sản phẩm dứa, ngô ngọt xuất khẩu với vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng trên diện tích 1.000 m2. Hiện nay, doanh thu hàng hóa nông sản xuất khẩu của công ty đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 60-70 lao động khi vào vụ sản xuất. Anh Hà cho biết, 80% sản lượng của công ty được xuất khẩu sang thị trường Nga. Qua so sánh, đánh giá với các thị trường khác, anh Hà cũng chia sẻ thêm, Nga là một thị trường khá dễ tính, không có quá nhiều rào cản thương mại khắt khe; đồng thời, ổn định về sản lượng, số lượng đơn hàng, khiến doanh nghiệp yên tâm khi hợp tác kinh doanh lâu dài.
Hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau, hoa quả đóng hộp xuất khẩu, Công ty TNHH Tư Thành (KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga) đã có hơn 10 năm hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp đến từ Nga. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, người tiêu dùng Nga ngày càng ưa dùng các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, do đó, kim ngạch xuất khẩu của công ty qua thị trường này cũng ngày càng tăng. Thị trường này cũng không đòi hỏi nhiều về mẫu mã, rất phù hợp với đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Thanh Hóa.
Mặc dù đang có những điều kiện mở rộng thị trường tốt, tuy nhiên, theo thống kê từ Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 5 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt hơn 2,16 triệu USD. Các mặt hàng chủ yếu là rau quả đóng hộp, một số ít sản phẩm may mặc, đá ốp lát. Đại diện Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng là do doanh nghiệp của tỉnh còn thiếu thông tin về thị trường, chưa tìm được các đối tác xuất khẩu, phân phối trực tiếp và còn phải phụ thuộc đơn hàng vào các đầu mối trung gian. Hơn nữa, thị trường Nga đòi hỏi sản lượng xuất khẩu lớn, tuy nhiên, việc sản xuất nông sản trong tỉnh vẫn chưa tập trung và ổn định để bảo đảm sản lượng cần thiết.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn tạo dựng được chỗ đứng ở thị trường Nga, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ, lâu dài kèm theo các giải pháp kỹ thuật để ổn định vùng nguyên liệu, tạo ra chuỗi giá trị nông sản đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm. Đồng thời, tích cực tìm hiểu, tiếp cận, cập nhật và tận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Tích cực tham gia các hiệp hội, ngành hàng để tạo vị thế cho sản phẩm nông sản trên thị trường Nga. Mở rộng hoạt động quảng bá các mặt hàng nông sản, liên kết với cộng đồng người Việt ở Nga để mở rộng đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu.
Để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga, mới đây, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tại Nga nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của tỉnh giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường này. Tại hội nghị, bên cạnh việc giới thiệu tiềm năng, thu hút đầu tư các lĩnh vực có lợi thế tại tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh cũng quan tâm giới thiệu để các địa phương của Nga, các doanh nghiệp, kiều bào tại Nga đến Thanh Hóa tìm hiểu cơ hội hợp tác xuất, nhập khẩu những mặt hàng mà Nga có nhu cầu và tỉnh Thanh Hóa có thế mạnh như da giầy, may mặc, nông sản, hàng tiểu thủ công nghiệp, đá ốp lát... từ đó, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của 2 nước và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa tỉnh Thanh vào thị trường này.
Bài và ảnh: Tùng Lâm