Đẩy mạnh xúc tiến quả vải trên môi trường trực tuyến thời kỳ COVID-19

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đồng tình với các đề xuất tổ chức giao thương trực tuyến và cho rằng, không chỉ trong thời kỳ COVID-19 mà việc ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng bắt buộc trong quản lý, kinh doanh, phải tận dụng và làm tốt hơn.

Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, trong bối cảnh dịch COVID-19, Cục Xúc tiến thương mại đã thực hiện thành công nhiều hội nghị giao thương trực tuyến, được các doanh nghiệp trong và ngoài nước ủng hộ, như Hội nghị với Tứ Xuyên (Trung Quốc) tập trung xúc tiến các sản phẩm phòng chống dịch COVID-19, Hội nghị giao thương hàng hóa nông sản giữa Việt Nam với Quảng Tây (Trung quốc), Hội nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ…

Về việc xúc tiến tiêu thụ trái vải, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao Cục làm việc trực tiếp với các địa phương (Bắc Giang), tổ chức hội nghị xúc tiến cung cầu quả vải. Dự kiến hội nghị này tổ chức vào đầu tháng 6, chính mùa vụ vải của Bắc Giang. Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến, đầu cầu tại Bắc Giang, kết nối 62 tỉnh thành và với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) - là 2 tỉnh tiêu thụ chính trái vải Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kinh doanh quả vải. Ảnh minh họa.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kinh doanh quả vải. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Công Thương, bước sang tháng 4, tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam đã bắt đầu thể hiện rõ. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, bước sang Quý II, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh. Các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đều cho thấy chịu tác động khá lớn từ dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đánh giá trong bối cảnh chung cho thấy, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu âm (trong khi nhiều nước chịu tác động của dịch bệnh sau nước ta) thì việc Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương và bảo đảm thặng dư cán cân thương mại trong 4 tháng đầu năm cho thấy nỗ lực rất lớn của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. (Trong 3 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 1,39%; Nhật Bản giảm 5,5%; Singapore giảm 3,3%; Ấn Độ giảm 12,7%...).

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động xem xét, ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định để chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang ở giai đoạn kiểm soát tốt hơn, để chủ động triển khai công việc của Bộ trong thời gian tới, kịp thời có các biện pháp vừa tiếp tục phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ Công tác để xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch COVID-19.

Lê Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/day-manh-xuc-tien-qua-vai-tren-moi-truong-truc-tuyen-thoi-ky-covid-19-n174239.html