Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản

Được xác định là một trong 3 trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ngày càng đa dạng và linh hoạt. Giá trị nông sản vì thế ngày càng được nâng cao. Đó chính là nội dung phỏng vấn của phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh.

Sản phẩm trưng bày trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu năm 2023. Ảnh: Minh Thu

Sản phẩm trưng bày trong khuôn khổ hội nghị kết nối cung cầu năm 2023. Ảnh: Minh Thu

P.V: Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, việc nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác là một đòi hỏi tất yếu đối với các địa phương hiện nay; trong đó, các HTX đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất nông nghiệp. Thực tế đó đã được triển khai ở Hà Nam như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Xuân Trường: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam lần thứ VI, những năm qua, hoạt động của Liên minh HTX tỉnh đã từng bước được củng cố. Trên cơ sở đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động, vai trò của Liên minh HTX ngày càng được khẳng định; qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT), HTX phát triển trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tạo mối liên kết, chuỗi giá trị góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển.

Hiện, toàn tỉnh có 244 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó có 38 HTX đang hoạt động theo chuỗi giá trị, tăng 8 đơn vị so với năm 2023. HTX hoạt động theo hình thức liên kết, doanh nghiệp ký hợp đồng đặt hàng, sau đó cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn các quy trình kỹ thuật và trực tiếp tham gia sản xuất cùng thành viên HTX. Đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp trực tiếp đến thu mua theo hợp đồng đã thỏa thuận; HTX đóng vai trò cầu nối vừa bảo đảm quyền lợi của thành viên HTX, vừa bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp trong mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ… Một số HTX chủ động xây dựng kế hoạch và quy trình sản xuất theo hướng VietGAP; chuẩn OCOP để tạo ra sản phẩm có chất lượng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như các HTXDVNN: La Sơn, An Ninh, Nhân Mỹ…

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 10 HTX áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động điều hành và sản xuất kinh doanh, tiêu biểu như: HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du; HTX Dược thảo Minh Đức; HTX Bún phở khô Khánh Linh; HTX Hoàng Trà...

P.V: Nhìn vào “bức tranh” trên có thể thấy, các HTX đã thực sự phát huy vai trò trong tổ chức, điều hành sản xuất. Tuy nhiên, để các HTX tích cực tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, không thể không nhắc đến vai trò “bà đỡ” của Liên minh HTX tỉnh?

Ông Đỗ Xuân Trường: Đúng vậy! Những năm gần đây, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành lựa chọn và hỗ trợ các HTX tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ do Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh tổ chức, nhằm giúp các HTX có cơ hội giới thiệu, quảng bá, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, là năm thứ tư liên tiếp Liên minh HTX tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại. Hội nghị thường niên đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều HTX, doanh nghiệp cung ứng và tiêu thụ sản phẩm đã kết nối với nhau và ký kết các hợp đồng hợp tác trong tổ chức sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Sau hội nghị, nhiều hợp đồng kinh tế giữa HTX với HTX, HTX với doanh nghiệp được ký kết và thực hiện thành công. Nhiều nông sản được hợp tác mua, bán giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối. Số sản phẩm nói trên chủ yếu đưa vào các siêu thị tại thành phố Hà Nội và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Có thể khẳng định, hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm đã tạo cầu nối để các HTX, doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành phố tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành phố có sức tiêu thụ lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên.

P.V: Được biết, Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu là hoạt động thường niên của Liên minh HTX tỉnh. Năm 2024, với phương châm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam", mục tiêu mà hội nghị hướng tới là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Xuân Trường: Phải khẳng định rằng, hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Hà Nam với các tỉnh, thành phố trong vùng và trên cả nước được triển khai tích cực trong những năm gần đây, góp phần tăng cường giao thương sản phẩm, hàng hóa của Hà Nam nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa trên thị trường. Nhiều sản phẩm có thế mạnh, đặc sản của Hà Nam và các địa phương, vùng miền (OCOP) đã được quảng bá rộng rãi, từng bước thâm nhập vào kênh phân phối hiện đại và hầu hết các sản phẩm đã có mặt trên thị trường tại những tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng, đặc biệt là các sản phẩm có tính thời vụ, cơ bản đã khắc phục được tình trạng “được mùa thì mất giá, mất mùa thì được giá”.

Năm 2024, nhằm tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông, lâm, thủy sản sạch, an toàn; tạo cầu nối giữa HTX, doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa sản xuất với tiêu thụ... ngoài các hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hội nghị sẽ tạo không gian cho các HTX, doanh nghiệp và nhà phân phối trong, ngoài tỉnh tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó thúc đẩy có hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại các địa phương. Đồng thời, tư vấn xây dựng các mô hình HTX sản xuất gắn với tiêu thụ các ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của tỉnh. Hỗ trợ kết nối, giới thiệu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất của HTX, tổ hợp tác để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Với tiềm năng, thế mạnh của một địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phát huy hơn nữa vai trò kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; các tỉnh, thành phố phía Bắc và cả nước trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững, thực sự đảm đương vai trò trụ đỡ an sinh vững chắc của nền kinh tế.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Thu (Thực hiện)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/day-manh-xuc-tien-thuong-mai-khoi-thong-thi-truong-tieu-thu-nong-san-140565.html