Điều hành linh hoạt đảm bảo mục tiêu kép
Tuần qua tiếp tục là một tuần giao dịch nhộn nhịp trên thị trường tiền tệ. Phiên đầu tuần 18/11, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 4,0% và toàn bộ đều trúng thầu. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN ở kỳ hạn 28 ngày có 400 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất ở mức 4,0%.
Đều đặn các phiên tiếp theo NHNN tiếp tục chào thầu trên kênh cầm cố và phát hành tín phiếu. Đến phiên 21/11, khối lượng chào thầu giảm xuống chỉ còn 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 4,0% và trúng thầu hết số giấy tờ có giá này. Có 19.999,91 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN ở kỳ hạn 28 ngày có 1.700 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất có giảm nhẹ xuống mức 3,97%. Trong phiên có 2.650 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, tính đến ngày 21/11, NHNN hút ròng 14.049,91 tỷ đồng khỏi thị trường qua kênh thị trường mở phiên trước. Tổng lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 62.999,94 tỷ đồng; trong khi lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường còn 20.050 tỷ đồng.
Từ nửa tháng nay, các phiên đấu thầu giấy tờ có giá của NHNN rất hút khách với khối lượng trúng thầu duy trì ở mức 5.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên cũng có phiên lên tới 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh kênh cầm cố giấy tờ có giá, NHNN vẫn tiếp tục chào thầu tín phiếu với lãi suất 4%/năm. Tuy nhiên, so với kênh cầm cố, tín phiếu NHNN “vắng khách” hơn minh chứng khối lượng trúng thầu mỗi phiên chỉ vài trăm tỷ đồng, dù lãi suất đã tăng lên 4%/năm.
Theo giới phân tích, việc NHNN sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO để đạt mục tiêu kép vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, vừa giảm sức ép lên tỷ giá. Việc NHNN mở lại hoạt động chào thầu tín phiếu có nét tương đồng so với hồi đầu tháng 3/2024 và trung tuần tháng 9/2023 khi tỷ giá USD/VND tăng nóng và chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường ngân hàng ở mức cao. Việc phát hành tín phiếu điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn, từ đó có thể đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND. Qua đó, hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá vốn đang chịu nhiều áp lực và tiến gần mức đỉnh lịch sử.
Tính đến ngày 21/11, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch ở mức lãi suất qua đêm là 4,18%; 1 tuần 4,40%; 2 tuần là 4,67 và 1 tháng là 4,82%. Dù giảm nhẹ so với phiên trước, nhưng lãi suất liên ngân hàng VND vẫn tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn so với cùng kỳ tháng trước.
Tương tự, trên thị trường 1, trong tuần qua một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm như GPBank tăng đồng loạt 0,2%/năm lãi suất cho tất cả kỳ hạn tiền gửi; LPBank điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm đối với lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 12-60 tháng… Tính từ đầu tháng 11 đã có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Trong đó có một số ngân hàng có hai lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng.
Những diễn biến trên thị trường tiền tệ thời gian gần đây, theo đánh giá của giới chuyên môn nhận định là không có gì bất ngờ mà phản ánh đúng diễn biến thị trường. Lãi suất huy động tăng xuất hiện trong giai đoạn cao điểm tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm là phù hợp. Bởi các ngân hàng phải tăng lãi suất để huy động nguồn vốn đáp ứng cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đã tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 7,4%.
Việc NHNN tiếp tục duy trì biện pháp “kép” phát hành tín phiếu, mua bán giấy tờ có giá trên thị trường OMO nhằm “ghìm cương” tỷ giá. Hiện tỷ giá có hạ nhiệt chút song so với đầu năm tỷ giá tăng khoảng 4,8%. Do đó, NHNN vẫn phải linh hoạt sử dụng các công cụ tiền tệ và theo dõi sát diễn biến thị trường. Trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để duy trì ổn định, đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt.
Có thể nói, bài toán vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa ổn định kinh tế vĩ mô qua việc điều hành làm sao hài hòa tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới vẫn khá áp lực đối với nhà điều hành. Tuy nhiên, với kinh nghiệm điều hành cũng như những thành công đạt được trong thời gian qua, NHNN sẽ hóa giải áp lực, sớm đưa thị trường về trạng thái cân bằng, ổn định.
Về phía NHNN cho biết, thời gian tới tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt, để duy trì thanh khoản cho các TCTD, điều chỉnh lãi suất phù hợp với mục tiêu chính sách; Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dieu-hanh-linh-hoat-dam-bao-muc-tieu-kep-158096.html