Đẩy mạnh xúc tiến thương mại phát triển thị trường 2024

Kết quả xuất nhập khẩu năm 2023 dù bị suy giảm so với năm 2022, nhưng mức suy giảm được thu hẹp đáng kể về cuối năm. Đây được đánh giá là tiền đề cho sự phát triển ngoại thương trong năm 2024 với các đề án đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM), mở rộng thị trường.

Nhiều doanh nghiệp thu mua hàng đầu thế giới đã có mặt tại Vietnam Outsourcing 2023 để tìm kiếm nguồn hàng Việt. (Ảnh: P.V).

Nhiều doanh nghiệp thu mua hàng đầu thế giới đã có mặt tại Vietnam Outsourcing 2023 để tìm kiếm nguồn hàng Việt. (Ảnh: P.V).

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Ngày 31/1, Cục XTTM (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị giao ban Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên của năm 2024. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể.

Đây là kết quả của việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Đồng thời đây cũng là tiền đề cho sự phát triển ngoại thương trong năm 2024 - năm bứt phá trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Theo dự báo của các chuyên gia và tổ chức kinh tế quốc tế, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, triển vọng tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư không đồng đều, rủi ro gia tăng. Do đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) chủ động sáng tạo trong công tác phát triển thị trường cho sản phẩm địa phương, ngành hàng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động XTTM thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ DN khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu (XK) cũng như nhập khẩu phục vụ phát triển sản xuất.

"Các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ thông tin về xu hướng thị trường các khu vực trên thế giới, cập nhật thông tin về thị trường, cơ hội phát triển XK để các địa phương, hiệp hội, DN có cơ sở rà soát kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch XTTM phù hợp, tận dụng các cơ hội mới để XK, nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền thương mại Việt Nam" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý.

Sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại lớn

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM cho biết, trong năm 2023, Cục XTTM đã thực hiện 80 đề án tập trung vào các hoạt động XTTM phát triển ngoại thương; hỗ trợ hơn 10.000 lượt DN; hợp đồng, đơn đặt hàng XK trực tiếp tại sự kiện đạt giá trị trên 125 triệu USD.

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đa dạng, linh hoạt XTTM mở rộng thị trường XK mới, khai thác các FTA; tập trung vào Đề án XTTM quy mô lớn trên các thị trường XK chủ lực; gắn với các hoạt động ngoại giao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trong nước và quốc tế; tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực XTTM cho cộng đồng DN.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2024 sẽ có nhiều triển lãm thương mại quốc tế về các ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam; triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu và hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp lần đầu tiên được tổ chức.

Đáng chú ý, một trong những chương trình XTTM lớn được nhắc đến trong năm 2024 là sự kiện kết nối chuỗi cung ứng - Vietnam Outsourcing lần thứ 2, được tổ chức vào đầu tháng 6. Tại sự kiện này, tất cả các Tham tán thương mại, Thương vụ tại các thị trường lớn, thị trường còn nhiều dư địa sẽ vận động, mời các DN tại địa bàn sở tại tham gia các hoạt động tìm kiếm nguồn hàng hoặc đầu tư phát triển mở rộng tại Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại tại Liên minh Châu Âu (EU) và Bỉ cho biết, dự kiến khu vực EU sẽ tổ chức hội nghị tham tán thương mại trong khuôn khổ Vietnam Outsourcing và Thương vụ Bỉ sẽ phối hợp với một số hiệp hội của EU, DN Luật Tổ chức tập huấn thực thi quy định của EU liên quan đến các quy định mới của EU. Ông Quân chia sẻ, EU đã và sẽ có thêm nhiều quy định, có tác động lớn đến hàng hóa XK của Việt Nam. Ví dụ, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ thực hiện khai báo theo mẫu của EU từ tháng 6/2024; Quy định Chống mất rừng của EU cũng sẽ có hiệu lực trong năm 2024.

Ngoài ra, theo ông Quân, dự kiến trong năm 2024, EU cũng sẽ đưa ra quy định Ecodesign trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may, hạn chế rác thực phẩm. Chưa kể, EU cũng đang tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, giám sát thương mại nhất là các vụ việc lẩn tránh thuế từ các nước thứ 3. Đồng thời, ngay trong tháng 1, EU cũng đã ban hành rất nhiều ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết ở mức 0.01mg/1kg, phê chuẩn chương trình kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật (với Việt Nam là các mặt hàng thủy sản, mật ong, đang xem xét trứng, sữa) và các biện pháp khẩn cấp, tạm thời kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu. Do đó, các DN Việt cần phải rất lưu ý khi XK và mở rộng XK vào thị trường EU.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/day-manh-xuc-tien-thuong-mai-phat-trien-thi-truong-2024-post503317.html