Dạy nghề giúp phạm nhân có điều kiện hoàn lương

Từ năm 2020 đến nay, Trại giam Nghĩa An (Bộ Công an) đóng tại tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dạy nghề cho gần 3.000 phạm nhân, giúp những người từng lầm lỡ sau mãn hạn tù có điều kiện hoàn lương làm lại cuộc đời.

Sáng sớm, phân xưởng may quần, áo tại Trại giam Nghĩa An đông phạm nhân đến lao động, học nghề. Thượng tá, Giám thị Đỗ Huyền Tâm cho biết, các sản phẩm may mặc ở đây do những phạm nhân lành nghề làm ra, được xuất khẩu sang Nhật Bản, một thị trường vốn rất khó tính. Ngoài may mặc, đơn vị còn tổ chức đào tạo nhiều nghề khác cho phạm nhân, như chạm khắc đá; mộc mỹ nghệ, dân dụng.

Việc dạy nghề cho phạm nhân là khá đặc thù, đòi hỏi người dạy phải kiên trì, chịu khó, chia sẻ, động viên phạm nhân cố gắng, với mong muốn giúp đỡ họ tiến bộ, sớm trở về với gia đình, người thân, làm lại cuộc đời mới. Những năm qua, hàng ngàn phạm nhân đã được giáo dục, giúp đỡ như thế...

Các phạm nhân tại Trại giam Nghĩa An được cán bộ quản giáo chỉ dẫn, thực hành kỹ thuật chạm khắc đá.

Các phạm nhân tại Trại giam Nghĩa An được cán bộ quản giáo chỉ dẫn, thực hành kỹ thuật chạm khắc đá.

Mơ ước của những phạm nhân đang được cải tạo, giáo dục và đào tạo nghề tại Trại giam Nghĩa An về một tương lai tươi sáng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi thực tế, trong 2 năm qua có khoảng hơn 1 ngàn phạm nhân ở đây ra tù đều đã được đào tạo và có tay nghề chất lượng. Không ít phạm nhân sau khi trở về đã thành lập được công ty, xưởng sản xuất bằng chính nghề họ được đào tạo trong trại.

Đặc biệt hơn, những người này sau khi thành đạt còn trở lại làm đối tác với trại để tạo việc làm cho phạm nhân, tạo giá trị lợi nhuận cho mình và cho lực lượng chức năng tại trại có thêm điều kiện tiếp tục dạy nghề cho phạm nhân.

Anh Đỗ Xuân Trực, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tâm sự: “Đối với bản thân tôi lúc trước có sai lầm; khi được cải tạo, giáo dục rồi được dạy nghề ở đó, tôi đã nhận ra được hết lỗi lầm của mình; cuộc sống luôn ý nghĩa và mình còn nợ nhiều người. Vì thế, sau mãn hạn tù, tôi đã cố gắng vượt qua mặc cảm, khó khăn; kiên trì vận dụng nghề chạm khắc đá học được từ trong trại vào đầu tư xây dựng một xưởng sản xuất nhỏ ở quê. Cuối cùng, nỗ lực của tôi cũng thành công; 3 năm nay, tôi đã đầu tư mở rộng thêm nhà xưởng, tuyển thêm thợ làm việc; đồng thời, để tri ân cán bộ quản giáo, nơi mình được học nghề cũng như muốn tạo việc làm cho phạm nhân ở đó để họ vừa được lao động vừa được học nghề sau này có điều kiện hoàn lương, tiến bộ, tôi đã quyết định quay trở lại làm đối tác với trại”…

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/day-nghe-giup-pham-nhan-co-dieu-kien-hoan-luong-i654837/