Dạy nghề 'mở' cánh cửa thoát nghèo bền vững
Được đào tạo nghề phù hợp với cuộc sống bản thân và nhu cầu xã hội, nhiều hộ khó khăn ở xã Hòa Lạc (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đã xây dựng được kế sinh nhai bền vững, ổn định hơn.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân xã Hòa Lạc đang phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện Đức Thọ đang tổ chức thêm Lớp đào tạo nghề chế biến món ăn với 35 học viên, đều là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Xác định công tác đào tạo nghề là “chìa khóa” hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, phòng Lao động Thương binh và Xã Hội huyện Đức Thọ đã triển khai nhiều lớp đào tạo chuyên sâu về các ngành nghề như: May công nghiệp, chăn nuôi gà, chế biến món ăn, điện dân dụng... cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và lao động nông thôn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, huyện còn triển khai nhiều hoạt động, hỗ trợ người dân tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu lao động, tạo việc làm.
Công tác đào tạo nghề luôn được địa phương chú trọng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giảm nghèo trong 3 tháng cuối năm 2024. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 78,5%, góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn nông thông mới nâng cao.
Với các giải pháp được thực hiện quyết liệt, đồng bộ trong đào tạo nghề, sẽ giúp nâng cao nguồn nhân lực có tay nghề, tạo sinh kế, việc làm, giúp người dân tích cực tăng gia sản xuất, lao động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Khi được trang bị những kỹ năng cần thiết, người nghèo có thể tham gia vào các ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất, dịch vụ đến công nghệ cao.
Đào tạo nghề không chỉ mở ra nhiều cơ hội việc làm mà còn giúp họ tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống. Đào tạo nghề còn thúc đẩy sự tự tin và khả năng tự lập của người nghèo. Khi có kỹ năng và kiến thức cần thiết, họ không còn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, có thể tự mình đối mặt với các thách thức, hòa nhập tốt hơn vào xã hội.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/day-nghe-mo-canh-cua-thoat-ngheo-ben-vung-2335454.html