Dạy nghề thêu trang phục Dao: Trao sinh kế, giữ bản sắc

Nhằm tạo sinh kế, bảo tồn và phát triển văn hóa nghề thêu thủ công truyền thống của dân tộc Dao, Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em đã mở lớp tập huấn cho nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Bạch Thông.

 Lớp tập huấn thêu thổ cẩm dân tộc Dao.

Lớp tập huấn thêu thổ cẩm dân tộc Dao.

Là phụ nữ nông thôn nên công việc thêu thùa, khâu vá không khó đối với chị Bàn Thị Ngân, thôn Vàng Bó, xã Đôn Phong, Bạch Thông, nhưng để thêu các họa tiết hoa lá cành cầu kỳ thì chị ít làm. Vì vậy, khi có lớp tập huấn hướng dẫn thêu thổ cẩm, may trang phục của dân tộc Dao chị đã đăng ký tham gia. Dù mới học được ít ngày nhưng chị Ngân tiến bộ nhanh. Không giấu được niềm vui, chị cho biết: "Là người con dân tộc Dao, tôi yêu thích trang phục của dân tộc mình nhưng bận rộn với cuộc sống gia đình không có nhiều thời gian học. Giờ có lớp học này tôi đăng ký tham gia, sau khi học xong tạo ra sản phẩm có thể tăng thêm thu nhập mà còn bảo tồn được văn hóa dân tộc không bị mất đi".

 Sản phẩm của học viên lớp tập huấn thêu thổ cẩm dân tộc Dao.

Sản phẩm của học viên lớp tập huấn thêu thổ cẩm dân tộc Dao.

"Trang phục dân tộc Dao rất đặc sắc, sặc sỡ, hoa văn được thêu cầu kỳ. Mỗi khi có dịp được ngắm chị em diện vào dịp lễ, tết thấy rất thích nên dù là dân tộc Tày tôi cũng muốn khám phá bản sắc văn hóa của dân tộc khác. Khi học thành thục còn tạo việc làm lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập"- chị Hà Thị Vinh, thôn Lủng Chang, xã Lục Bình cho biết.

Chia sẻ của học viên tham gia học thêu, may trang phục dân tộc Dao.

Thực hiện Dự án “Cải thiện sinh kế cho các cộng đồng nghèo, tiếp tục” do Tổ chức Bánh mì cho thế giới (BftW) - Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em tổ chức lớp tập huấn nghề thủ công truyền thống dân tộc Dao cho chị em phụ nữ có nhu cầu của 22 thôn được hưởng lợi dự án tại huyện Bạch Thông.

Nội dung lớp tập huấn gồm 01 lớp thêu thùa và 01 lớp may vá, thời gian mỗi lớp 10 ngày. Học viên được đại diện có kinh nghiệm của Hợp tác xã Thiên An (Vi Hương) trực tiếp hướng dẫn về ý nghĩa các hoa văn, họa tiết trên trang phục và thực hành theo hình thức “cầm tay chỉ việc”… Từ đó nhằm khôi phục, bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào; góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội, du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Hợp tác xã (HTX) Thiên An chuyên sản xuất, cung cấp ra thị trường các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Nhờ vậy, không chỉ bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo thành sản phẩm hàng hóa, việc làm, thu nhập cho người dân. Tham gia truyền dạy nghệ thuật thêu thổ cẩm, may trang phục dân tộc, HTX mong muốn xây dựng được chuỗi giá trị tạo thêm sinh kế cho chị em phụ nữ trên địa bàn huyện.

Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An chia sẻ: Việc thêu thổ cẩm yêu cầu tỉ mỉ, kiên trì, rất thích hợp với chị em phụ nữ, nhất là lúc nông nhàn. Hiện, sản phẩm do HTX sản xuất đã có mặt trên nhiều thị trường và được khách hàng yêu thích. Vì vậy, ngoài việc bảo tồn văn hóa truyền thống, HTX muốn tạo thu nhập cho chị em và làm tăng quyền của chị em trong gia đình, xã hội.

Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An.

Những chiếc túi, chiếc mũ hay bộ quần áo của dân tộc Dao qua bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ đã “biến” thành sản phẩm tinh tế, rực rỡ. Trong quá trình giao thoa về văn hóa, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Dao vẫn đang được nhiều thế hệ thực hiện.

Các lớp tập huấn dạy nghề không những trang bị cho học viên những phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dệt thổ cẩm, may trang phục của đồng bào dân tộc Dao, gắn với phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời còn góp phần thực hiện có hiệu quả Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030./.

Hà Nhung - Minh Vũ

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/day-nghe-theu-trang-phuc-dao-trao-sinh-ke-giu-ban-sac-post68245.html