Đẩy nhanh cấp phép mỏ vật liệu làm cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đánh giá tỉnh Khánh Hòa đã rất quyết liệt, tập trung lực lượng, hướng dẫn thủ tục và linh hoạt trong công tác cấp mỏ cho các nhà thầu, đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp trong năm 2023.
Kịp thời gỡ khó cấp mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc Nam qua Khánh Hòa
Hôm qua (7/7), Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu Tổ công tác số 2 của Bộ GTVT làm việc với tỉnh Khánh Hòa nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc qua địa bàn, trong đó có đoạn Vân Phong - Nha Trang dài khoảng 83,35km.
5 mỏ đất đã cấp phép trữ lượng khoảng 3,3 triệu m3
Theo Ban QLDA7 (chủ đầu tư cao tốc Vân Phong - Nha Trang), tổng nhu cầu vật liệu của dự án, gồm: Khối lượng đá các loại khoảng 2,1 triệu m3; khối lượng cát khoảng 0,3 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khai thác từ mỏ khoảng 6,24 triệu m3.
Các mỏ VLXD đã được Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa thống nhất đưa vào hồ sơ dự án gồm: 9 mỏ vật liệu đá, 5 mỏ vật liệu cát từ các mỏ đang khai thác, 19 mỏ vật liệu đất.
Đại diện Sở TN&MT Khánh Hòa cho biết, đơn vị đã hướng dẫn nhà thầu về một số bước thực hiện: Khảo sát, đo vẽ xác định trữ lượng, chất lượng mỏ; Lập, hoàn thiện hồ sơ phương án khai thác, hồ sơ môi trường; Lấy ý kiến Sở ban ngành liên quan, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ sau thẩm định của Sở TN&MT; Kiểm tra, phê duyệt cấp phép.
Tổng thời gian dự kiến từ lúc lập hồ sơ đến khi địa phương chấp thuận cấp phép khai thác từ 60 - 65 ngày. Tính đến nay, các nhà thầu đã trình hồ sơ đăng ký khai thác đất về Sở TN&MT được 8/19 mỏ. Trong đó, 7 điểm mỏ có trữ lượng khoảng 4,6 triệu m3 (đáp ứng 75% nhu cầu dự án), 1 mỏ phải hoàn thiện lại hồ sơ.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận hồ sơ đăng ký khai thác được 5 mỏ đất (gồm: Ninh Trung, Vạn Hưng 1, Hưng Tây, Khu TĐC Ninh Hòa, Ninh Bình), đáp ứng 53% nhu cầu của dự án, dự kiến sẽ chấp thuận 3 mỏ còn lại trong tháng 7. Các điểm mỏ còn lại có 8 vị trí chưa thỏa thuận được với các chủ sử dụng đất và 3 vị trí chưa liên lạc được chủ sở hữu mỏ.
Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm, hiện nay, tổng khối lượng 5 mỏ đất đã cấp phép là 3,3 triệu m3, nếu hoàn thành cấp phép 8 hồ sơ, tổng lượng đất đắp sẽ được 4,53 triệu m3, đạt được khoảng 70% khối lượng so với nhu cầu của dự án (6,24 triệu m3).
Về cát xây dựng, hiện nay UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho phép gia hạn nạo vét đối với các hồ chứa có thu hồi khoáng sản cát để cung cấp cho nhu cầu (300.000 m3) của dự án đường cao tốc.
Địa phương quyết liệt xử lý khó khăn về nguồn vật liệu
Đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, tỉnh đã linh hoạt xử lý các vướng mắc, khó khăn, làm hết sức mình để đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ cho nhà thầu khai thác. Tuy nhiên, hiện nay có 2 vấn đề mà tỉnh gặp khó khăn đó là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với 4,2ha nằm ngoài ranh và việc di dời hệ thống điện cao thế cần có sự phối hợp của các bộ, ngành.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đánh giá tỉnh Khánh Hòa đã rất quyết liệt, tập trung lực lượng, hướng dẫn thủ tục và linh hoạt trong công tác cấp mỏ cho các nhà thầu, đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp trong năm 2023. Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng đề nghị tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hỗ trợ để chấp thuận các mỏ còn lại.
Về công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị địa phương tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/6/2023 để sớm bàn giao cho dự án.
Về công tác GPMB, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, mặc dù tỉnh đã rất quyết liệt triển khai nhưng chưa đáp ứng theo đúng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/2022/NQ-CP. Do đó, Bộ GTVT đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các chủ đầu tư tiểu dự án GPMB, đẩy nhanh thủ tục để sớm bàn giao phần mặt bằng còn lại cho dự án, đặc biệt đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật.