Đẩy nhanh hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động

Chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ trị giá 6.600 tỷ đồng của Chính phủ dù đã có hiệu lực từ ngày 28.3, nhưng đến ngày 5.6, mới có gần 6.300 lao động trong tổng số 3,4 triệu người dự kiến thụ hưởng nhận được tiền. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cử nhiều đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đốc thúc các địa phương triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 của Thủ tướng. Trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chi trả nhằm hoàn thành gói hỗ trợ trước ngày 15.8.

Người lao động nhiều địa phương ngóng chờ

Theo các chuyên gia, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ người lao động. Các chính sách an sinh với người lao động được thực hiện rất khẩn trương, trong vòng ít tháng đã có hơn 55 triệu lượt người được thụ hưởng với tổng kinh phí 81.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn là có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ.

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến ngày 3.6, ngoài Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng hỗ trợ, mới có 19 tỉnh, thành phố đã nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp. Tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị từ 2.007 doanh nghiệp với 46.461 lao động, hỗ trợ 33,2 tỷ đồng. Hồ sơ đã thẩm định phê duyệt là 319 doanh nghiệp với 21.361 lao động, số tiền đã quyết định phê duyệt là 25,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền giải ngân thực sự rất thấp, mới có 100 doanh nghiệp, với gần 6.300 công nhân lao động. Các "điểm sáng" là TP. Hà Nội (trên 1,67 tỷ đồng), Cà Mau (1,45 tỷ đồng)...

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, tiến độ triển khai chính sách chậm là do một số địa phương mới ban hành kế hoạch triển khai (cuối tháng 5); việc tuyên truyền, giải thích cho người lao động và doanh nghiệp còn hạn chế; cán bộ cấp huyện một số nơi còn e ngại trong hướng dẫn triển khai. Một số địa phương lúng túng khi bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ, doanh nghiệp yêu cầu thêm giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng thuê nhà, số công nhân đông nên có tâm lý chờ 2 - 3 tháng mới làm một thể…

Thứ trưởng Hà khẳng định, Bộ và Chính phủ đã có nhiều công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành tăng cường phối hợp với bộ, ngành chuyên môn để tuyên truyền, hướng dẫn, song song với kiểm tra, giám sát việc triển khai gói 6.600 tỷ đồng này.

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà góp phần giúp người lao động ổn định đời sống, yên tâm lao động, sản xuất
Nguồn: ITN

Cần đẩy nhanh tiến độ chi trả

Trao đổi tại Chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân diễn ra sáng 12.6, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nói rõ hơn về nguyên nhân của việc chi trả chậm, "hiện các địa phương bắt đầu hỗ trợ, tuy nhiên tiền hỗ trợ chậm đến tay công nhân có 2 lý do".

Thứ nhất, Bộ đã đề nghị thủ tục hỗ trợ thuê nhà cho công nhân lao động rất gọn, đơn giản hóa thủ tục nhưng nhiều địa phương thêm thủ tục niêm yết công khai khiến phát sinh các khâu mới trong thực hiện. Thứ hai, chính sách cho phép có thể nhận theo tháng hoặc nhận một lần 3 tháng nhưng có một bộ phận người lao động hoặc doanh nghiệp muốn nhận 3 tháng, như vậy từ tháng 4 đến nay thì hết tháng 6 mới nhận một lần.

Ngoài 2 nguyên nhân trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ, tổng số tiền dự kiến là của gói hỗ trợ là 6.600 tỷ đồng, trích từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương. Hiện, một số địa phương đề nghị trung ương cho ứng tiền hỗ trợ.

"Sau khi xin ý kiến Thủ tướng, chiều 11.6, tôi và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thống nhất, xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội cho phép ứng 70% kinh phí này, để tất cả địa phương triểu khai, bảo đảm đúng 15.8 là kết thúc chính sách này với kết quả tốt nhất”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ.

Tham mưu thêm cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, Cục đã đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành chỉ đạo các khu công nghiệp, doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tốc độ làm hồ sơ.

Theo ông Vũ Trọng Bình, ngoài hướng dẫn chi tiết gửi về các tỉnh, thành, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn cử đoàn công tác mở kênh đối thoại với doanh nghiệp và cơ quan chức năng tại những địa phương trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương... để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và đôn đốc triển khai chính sách.

"Qua kinh nghiệm triển khai ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, bài học chỉ ra là người đứng đầu UBND quận, huyện phải quyết liệt trong chỉ đạo bố trí nhân lực giải quyết hồ sơ cho người lao động. Nếu có quyết tâm cao trong toàn hệ thống, UBND cấp huyện có thể giải quyết hồ sơ trong hai ngày làm việc", ông Vũ Trọng Bình nêu rõ.

Tùng Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/day-nhanh-ho-tro-tien-thue-nha-cho-lao-dong-i292230/