Đẩy nhanh hoàn thuế nhưng vẫn phải chặt chẽ, đúng luật

Luật Quản lý thuế quy định, các hồ sơ đề nghị hoàn thuế được phân loại thành 2 trường hợp: 'hoàn trước - kiểm sau' và 'kiểm trước - hoàn sau'. Trường hợp hoàn trước - kiểm sau được thực hiện trong 6 ngày làm việc, còn trường hợp kiểm trước - hoàn sau được thực hiện trong 40 ngày làm việc. Ngành Thuế đang tăng cường công tác tuyên truyền về thủ tục hoàn thuế để doanh nghiệp chủ động chuẩn bị hồ sơ trước khi gửi đến cơ quan thuế, nhằm tránh hồ sơ chưa đáp ứng thủ tục, dẫn đến bị kéo dài thời gian xử lý.

Liên tiếp chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thuế

Chia sẻ về quy trình thủ tục giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, ngoài việc tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) thực hiện pháp luật thuế theo nguyên tắc “NNT tự tính, tự khai và tự chịu trách nhiệm” thì theo Luật Quản lý thuế, các hồ sơ đề nghị hoàn thuế do cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành 2 trường hợp: “hoàn trước - kiểm sau” và “kiểm trước - hoàn sau”. Trong cả hai trường hợp này đều có quy định về thời hạn hoàn thành. Cụ thể, đối với trường hợp hoàn thuế trước thì quy định là 6 ngày làm việc, còn đối với kiểm tra trước hoàn thuế, quy định là 40 ngày tính từ thời điểm NNT nộp hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, đúng quy định cho cơ quan thuế.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, 7 tháng năm 2023, toàn ngành đã ban hành 9.990 quyết định hoàn thuế GTGT, tương ứng số thuế đã hoàn cho doanh nghiệp (DN) là 71.825 tỷ đồng, đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành Thuế.

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 9/8 vừa qua, Tổng cục Thuế tiếp tục ban hành Công điện số 07/CĐ-TCT chỉ đạo cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng quy định. Đồng thời giao cục trưởng cục thuế trực tiếp và phân công các phó cục trưởng rà soát đến từng hồ sơ đề nghị hoàn thuế, đặc biệt là hồ sơ đã được phân loại kiểm tra trước, hoàn thuế sau để đẩy nhanh công tác kiểm tra, xác minh điều kiện hoàn thuế.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế tiếp tục sắp xếp, bố trí bổ sung cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhất là hồ sơ của các DN xuất khẩu, đảm bảo đến hết tháng 9/2023, kết quả hoàn thuế GTGT đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy, ngành Thuế rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác giải quyết hoàn thuế cho DN.

93,7% số hồ sơ được hoàn thuế

"Với phương châm “lấy NNT làm trung tâm phục vụ”, ngành Thuế đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điện tử hóa công tác quản lý thuế… Theo đó, đến nay 99% lượng hồ sơ đề nghị hoàn thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử".

Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế)

Lý giải về vấn đề một số hồ sơ kiểm tra trước hoàn của một số DN bị kéo dài thời gian so với quy định, bà Lê Thị Duyên Hải cho biết, do trong quá trình phân tích dữ liệu chuỗi hóa đơn cập nhật thực tế tại hồ sơ của DN, cơ quan thuế phát hiện DN có mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế của các DN bán cho những DN hoàn thuế này nhưng các DN đó đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế; có những DN đã tạm ngừng hoạt động.

Đặc biệt, có những DN đang nằm trong diện nghi án điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có những trường hợp do cơ quan công an thông báo cho cơ quan thuế trong quá trình điều tra các vụ án kinh tế hoặc mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Để kiểm soát việc hoàn thuế được chặt chẽ đúng quy định của pháp luật, tránh thất thu thuế, trong đó có các DN xuất khẩu dăm gỗ, Tổng cục Thuế đã có những văn bản chỉ đạo các cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phải xác minh các nguồn gốc gỗ mua vào. Đây là một bước cần thiết để góp phần cùng các DN và đầu mối thu gom thực hiện đúng yêu cầu về công tác kê khai để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước ngay từ khâu đầu vào.

Về ý kiến cho rằng, cơ quan thuế đưa tất cả các DN xuất khẩu gỗ vào diện rủi ro và thực hiện “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, Tổng cục Thuế khẳng định ý kiến phản ánh trên là không đúng. Không phải toàn bộ DN ngành gỗ là rủi ro cao về thuế. Tổng cục Thuế cho biết, hiện có rất nhiều DN gỗ được hoàn thuế trước trong 6 ngày làm việc và đang được giải quyết theo phương thức “hoàn trước, kiểm sau”.

Tổng hợp số liệu báo cáo nhanh từ cục thuế các địa phương cho thấy, từ năm 2022 đến nay, toàn ngành đã tiếp nhận 5.213 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đối với xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong đó, số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn là 4.888 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 93,7% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế của DN ngành gỗ, cơ quan thuế xác định có 548 hồ sơ liên quan đến các DN trung gian. Kết quả đã phát hiện 72 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT có kê khai hóa đơn của 264 DN trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Do vậy, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra xử lý.

Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của 9 DN trực tiếp đề nghị hoàn thuế GTGT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh, nguyên nhân do DN có dấu hiệu sử dụng hóa đơn khống để hoàn thuế.

Công khai, minh bạch trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban Bộ Tài chính tháng 7/2023 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu ngành Thuế tập trung giải quyết các hồ sơ hoàn thuế đảm bảo công khai minh bạch, kiên quyết không hoàn thuế đối với hồ sơ không đủ điều kiện, hồ sơ có dấu hiệu gian lận cần chuyển cho cơ quan công an điều tra phối hợp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/day-nhanh-hoan-thue-nhung-van-phai-chat-che-dung-luat-133751.html