Đẩy nhanh mua sắm thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6
Ngay sau khi các bộ sách lớp 2, lớp 6 được thành phố chính thức lựa chọn, các đơn vị, trường học Hà Nội bắt tay vào rà soát, đề xuất mua sắm trang thiết bị dạy học.
Để thiết bị không chạy theo sách
Rút kinh nghiệm việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1 ở một số nơi rơi vào tình trạng trang thiết bị dạy học đến sau sách giáo khoa mới, khiến cho trong lúc chờ thiết bị, giáo viên phải dạy chay hoặc tận dụng những đồ dùng dạy học tự làm để trang bị kiến thức cho học sinh, nhiều đơn vị đã sớm rà soát và đề xuất mua sắm đồ dùng dạy học từ nhiều tháng nay.
Ông Lê Đức Thuận- Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: Để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 2, lớp 6, các trường học trên địa bàn quận đã bố trí đội ngũ giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 năm 2021-2022 và tiến hành tập huấn từng bước. 100% giáo viên của quận Ba Đình đã được đánh giá hoàn thành chương trình tập huấn của Bộ GD&ĐT. Song song với đó, UBND quận đã có kế hoạch bố trí kinh phí để thực hiện đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6.
Bà Nguyễn Thanh Thủy- Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm thông tin: Ngành đã chủ động rà soát, tổng hợp nhu cầu thiết bị dạy học phục vụ cho chương trình, sách giáo khoa mới theo thông tư qui định thiết bị tối thiểu dành cho lớp 2, lớp 6 để đề nghị UBND quận phê duyệt và cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy, học cho giáo viên và học sinh theo đúng chỉ đạo của thành phố.
“Quận Nam Từ Liêm đã đặc biệt quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các nhà trường ngay khi triển khai chương trình mới với lớp 1. Mục tiêu đặt ra là giáo viên và học sinh yên tâm dạy và học chương trình mới, sách mới đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phát huy được năng lực, tư duy tích cực của học sinh và khả năng lao động sáng tạo của giáo viên”- bà Thủy chia sẻ.
Tập huấn tăng hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học
Ông Đỗ Hoài Phương - Tổ trưởng Tổ văn phòng, cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ nhận định: Trang thiết bị dạy học có vai trò rất quan trọng, như: truyền thụ và tiếp thu kiến thức nhanh và dễ hiểu, tạo hứng thú học tập cho học sinh; cung cấp kiến thức cho học sinh một cách chính xác, trực quan, sinh động. Qua đó, nâng cao được chất lượng giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Giáo viên cũng chủ động, sáng tạo trong việc tìm nguồn học liệu, kiến thức bổ sung cho chương trình giảng dạy…
“Vì vậy, việc rà soát nhu cầu trang cấp thiết bị dạy học là rất cần thiết. Những thiết bị này phải đảm bảo tính kế thừa, tính khả thi, tăng cường ứng dụng CNTT cũng như tính liên thông giữa các môn học, giữa các lớp học trong cùng cấp và liên thông giữa các cấp học… Và để tránh lãng phí, sử dụng hiệu quả, ngành Giáo dục sẽ tổ chức tập huấn theo các chuyên đề để nhà trường, giáo viên vừa tiếp cận với sách giáo khoa mới, vừa nắm bắt được yêu cầu sử dụng của trang thiết bị, dồ dùng dạy học mới”- ông Phương cho biết.
Năm học 2020-2021, triển khai chương trình lớp 1 mới, ngành Giáo dục quận Tây Hồ đã chủ động đề xuất trang cấp màn hình tương tác thông minh tại các khối lớp 1, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh dạy, học theo sách giáo khoa điện tử. Dự kiến, để triển khai chương trình lớp 2, lớp 6, ngành Giáo dục quận sẽ trang bị 120 phòng học thông minh với các thiết bị bảng thông minh, bảng trượt… Việc tập huấn giáo viên sử dụng những thiết bị dạy học mới này sẽ được tiến hành khẩn trương để giáo viên bắt nhịp sử dụng ngay đầu năm học mới.
Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, việc mua sắm trang thiết bị không chỉ đảm bảo số lượng theo đúng qui định mà phải gắn với chất lượng dạy học, hiệu quả môn học. Do đó, phát huy cách làm của việc triển khai chương trình với lớp 1, ngành Giáo dục quận sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn theo các chuyên đề sâu với sách giáo khoa và thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6.
“Ngành sẽ xây dựng một số buổi chuyên đề, sử dụng trang thiết bị đúng theo yêu cầu môn học để giáo viên các nhà trường vừa được tiếp cận với nội dung, phương pháp của sách mới, vừa kết hợp được việc sử dụng trang thiết bị cho môn học đó. Sau mỗi chuyên đề, giáo viên thống nhất được quy trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học,… Phòng GD&ĐT quận yêu cầu 100% các trường về triển khai lại chuyên đề đó tại trường, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của từng trường và đạt được mục tiêu kế hoạch giáo dục nhà trường đề ra” - bà Nguyễn Thanh Thủy- Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm.