Đẩy nhanh thu hồi vốn tạm ứng để tăng hiệu quả đầu tư công

Số dư tạm ứng trong đầu tư xây dựng cơ bản càng lớn thì hiệu quả đầu tư công càng giảm. Do đó, quản lý hiệu quả vốn tạm ứng và thu hồi nhanh nguồn vốn này là hết sức cần thiết.

Quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh vẫn còn xảy ra các trường hợp chủ đầu tư và các cơ quan quản lý chưa chú trọng đúng mức tới công tác thu hồi vốn tạm ứng, dẫn đến còn những khoản dư tạm ứng có thời gian dài chưa được thu hồi. Tính đến hết ngày 31.1.2024, số tạm ứng quá hạn nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn tương đối lớn, khoảng 7.454 tỷ đồng (trong đó: các bộ, cơ quan Trung ương khoảng 1.279 tỷ đồng, các địa phương khoảng 6.175 tỷ đồng), làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng; chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo trực tiếp các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về quản lý, tạm ứng vốn; kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của các chủ đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng. Ảnh: Minh Triều

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng. Ảnh: Minh Triều

Trường hợp người quyết định đầu tư quyết định mức tạm ứng cao hơn 30% giá trị hợp đồng thì phải căn cứ vào tiến độ thực hiện khối lượng, khả năng thu hồi vốn tạm ứng, đánh giá rõ lý do, sự cần thiết mới tăng tỷ lệ tạm ứng và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình. UBND các cấp chỉ đạo cơ quan tài chính địa phương phối hợp với cơ quan kiểm soát, thanh toán đồng cấp rà soát số vốn tạm ứng quá hạn (nếu có), định kỳ (6 tháng và hàng năm) báo cáo để có biện pháp thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện đúng các quy định hiện hành về việc tạm ứng vốn. Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng, mức thu hồi tạm ứng từng lần, thời điểm thu hồi tạm ứng từng lần phải được ghi cụ thể trong hợp đồng và phải phù hợp với tiến độ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng và khối lượng thực hiện theo từng năm. Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: mức vốn tạm ứng theo kế hoạch, tiến độ thực hiện; mức tối đa không vượt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt.

Đối với các dự án đang thực hiện còn dư số tạm ứng chưa thu hồi, cần tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thu hồi, bảo đảm thu hồi hết khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng (trừ trường hợp được người có thẩm quyền cho tạm ứng ở mức cao hơn). Đối với các khoản tạm ứng quá hạn, rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân từng khoản; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân phải hoàn ứng; đề xuất các phương án xử lý triệt để, bảo đảm thu hồi hết số tạm ứng quá hạn (bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa, chuyển cơ quan thanh tra, công an).

Nỗ lực thu hồi vốn tạm ứng

Cũng tại Chỉ thị này, Thủ tướng giao Bộ Tài chính có trách nhiệm định kỳ (6 tháng và hằng năm) đôn đốc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có biện pháp thu hồi vốn tạm ứng quá hạn. Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích; kiểm tra số dư tạm ứng để bảo đảm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng.

Thời gian qua, với vai trò và trách nhiệm của mình, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hệ thống KBNN đã và đang tích cực thực hiện thu hồi vốn tạm ứng giúp tăng hiệu quả cho nguồn vốn này.

Cụ thể, lãnh đạo KBNN đề nghị các đơn vị KBNN định kỳ đôn đốc chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, phân loại nhóm các dự án còn số dư tạm ứng. Trên cơ sở kết quả rà soát và đề nghị của chủ đầu tư, KBNN thực hiện tất toán tài khoản dự án đầu tư.

Đối với số dư tạm ứng bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng đến nay chưa chi trả được, KBNN sẽ rà soát lại các trường hợp đã hoàn trả tiền tạm ứng về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư hoặc của tổ chức làm nhiệm vụ hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để nộp ngân sách, giảm số vốn đã tạm ứng cho dự án. Đối với các trường hợp chưa chuyển tiền về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư, KBNN sẽ có công văn đôn đốc nộp trả tiền tạm ứng đền bù.

Đối với các dự án công trình bị đình, hoãn không thi công tiếp và chưa có khối lượng để thu hồi tạm ứng; các dự án thuộc ban quản lý dự án giải thể, cơ quan chủ quản tách hoặc sáp nhập, KBNN các cấp kiến nghị các bộ, ngành, UBND các cấp xem xét xử lý trường hợp cụ thể.

Đối với các dự án, công trình đã hoàn thành toàn bộ, hoặc hoàn thành từng phần, KBNN kiến nghị Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát, làm thủ tục quyết toán các dự án đã hoàn thành, xử lý dứt điểm công nợ thông qua việc thu hồi lại số vốn đã được thanh toán cao hơn quyết toán được duyệt hoặc bố trí kế hoạch vốn và làm thủ tục tất toán tài khoản tại KBNN.

Tiểu Phong

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/day-nhanh-thu-hoi-von-tam-ung-de-tang-hieu-qua-dau-tu-cong-i380473/