Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt nối Việt Nam - Trung Quốc

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng, 3 dự án đường sắt nối Việt Nam - Trung Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ với kỳ vọng các dự án này sẽ trở thành những công trình mang tính biểu tượng trong quan hệ hai nước.

Tàu liên vận chạy từ ga Cao Xá (Hải Dương) sang Trung Quốc

Tàu liên vận chạy từ ga Cao Xá (Hải Dương) sang Trung Quốc

Cùng quyết tâm đẩy nhanh tiến độ

Trong số 3 dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là dự án triển khai đầu tiên. Sau khi được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 187/2025/QH15 về chủ trương đầu tư, cuối tháng 3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc Lưu Vỹ về kế hoạch triển khai dự án. Hai bên đã nhất trí cùng đẩy nhanh tiến độ, để kịp khởi công dự án cuối năm 2025.

Bộ Xây dựng đang đề nghị phía Trung Quốc sớm phê duyệt và trao công hàm về viện trợ không hoàn lại đối với công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị phía bạn chỉ định đầu mối chủ trì và đàm phán hiệp định khung cung cấp khoản vay của Chính phủ Trung Quốc. Song song với quá trình này, Bộ Xây dựng đề nghị phía Trung Quốc giới thiệu doanh nghiệp có đủ năng lực để liên danh, hợp tác tham gia dự án.

Về phía Việt Nam, Bộ Xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt, trong đó có tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án.

Bộ Xây dựng cũng đang khẩn trương xây dựng, ban hành tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ, thiết kế chung làm cơ sở huy động vốn, lựa chọn nhà thầu; xem xét bổ sung nhà ga, tuyến đường nhánh bảo đảm hiệu quả phát triển kinh tế của các địa phương.

Với tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Bộ Xây dựng dự kiến xây dựng mới tuyến đường sắt đôi nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải dự báo đến năm 2050 khoảng 9 triệu tấn hàng/năm, hành khách 7,5 triệu lượt/năm.

Với tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, Bộ Xây dựng đã xác định quy mô, hướng tuyến nhằm kết nối các tỉnh ven biển phía Bắc và kết nối liên vận quốc tế. Hiện Bộ Xây dựng đang đề nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục để phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam lập quy hoạch 2 tuyến đường sắt này, dự kiến công thư trao đổi sẽ sớm được thực hiện.

Nhiều cơ hội mở ra

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy, việc xây dựng 3 tuyến đường sắt kết nối đi sâu vào nội địa của hai nước được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng, giúp Việt Nam kết nối với hệ thống đường sắt dài nhất thế giới từ Trung Quốc tới Trung Á, châu Âu và giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam. Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết, việc đầu tư 3 tuyến đường sắt nối Việt Nam - Trung Quốc sẽ giúp tái cơ cấu phương thức vận tải, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông.

Để chuẩn bị cho việc triển khai 3 dự án, trước mắt là dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND 9 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua chủ trì, tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng loạt khởi công xây dựng các khu tái định cư trong năm 2025. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng chuẩn bị năng lực phát triển công nghiệp đường sắt, kịp phục vụ dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Với tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, và tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ triển khai lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở để xác định hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương án đầu tư. Sau khi quy hoạch được duyệt sẽ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công sau năm 2030.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh: dài 460km; khổ 1.435mm vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 120km/giờ đối với đoạn qua khu vực đầu mối TP Hà Nội. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8,369 tỷ USD, bằng nguồn vốn đầu tư công. Trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 8-2025; ký kết hiệp định vay vốn với Chính phủ Trung Quốc trong tháng 11-2025; khởi công trong tháng 12-2025; hoàn thành vào năm 2030.

Dự án tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái: dài khoảng 187km, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa; tốc độ tàu khách 160km/giờ, tàu hàng khoảng 120km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7 tỷ USD; đầu tư sau năm 2030.

Dự án tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội: dài 156km; khổ 1.435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa; tốc độ tàu khách 160km/giờ, tàu hàng khoảng 120km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến 6 tỷ USD, đầu tư sau năm 2030.

MINH DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/day-nhanh-tien-do-cac-du-an-duong-sat-noi-viet-nam-trung-quoc-post790399.html