Đẩy nhanh tiến độ các dự án vốn đầu tư công tại Khu Kinh tế Nghi Sơn
Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước. Sự phát triển của KKTNS, các khu công nghiệp (KCN) và các dự án trọng điểm trong khu kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sức lan tỏa lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh và vùng lân cận.
Thi công hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hằng
Chính vì vậy, Trung ương và tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng ưu tiên đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng tại đây. Tuy nhiên, nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã, đang ảnh hưởng trực tiếp, khiến các dự án khó hoàn thành tiến độ thi công theo kế hoạch, cũng như việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư đã phân bổ năm 2023.
Năm 2023, Ban Quản lý KKTNS và các KCN được phân bổ nguồn vốn đầu tư công hơn 142,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn phân bổ cho năm 2023 là gần 125 tỷ đồng và khoảng 18 tỷ đồng thuộc nguồn vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023. Nguồn vốn này được phân bổ chi tiết cho 5 dự án: Đường Đông Tây 1 kéo dài - KKTNS; tuyến đường bộ ven biển đoạn nối đường 513 với đường ven biển tỉnh Nghệ An thuộc KKTNS; hệ thống thoát nước chống ngập úng xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn (giai đoạn 1) và dự án hoàn thiện mặt đường tuyến đường vào Nhà máy Xi măng Đại Dương.
Theo báo cáo của Ban Quản lý KKTNS và các KCN, tính đến ngày 7/11, số vốn giải ngân đã thực hiện mới đạt gần 59 tỷ đồng; trong đó vốn năm 2023 gần 48 tỷ đồng và vốn năm 2022 kéo dài gần 11 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch vốn giao. Với tỷ lệ giải ngân đang còn chậm, hiện đơn vị đang nỗ lực đôn đốc các nhà thầu tập trung tiến độ thi công, hoàn thành khối lượng để giải ngân số vốn được phân bổ. Tuy nhiên, nhiều khó khăn trong GPMB khiến các nhà thầu rất khó tổ chức thi công đúng kế hoạch.
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước chống ngập úng xã Mai Lâm là dự án trong danh mục hoàn thành năm 2023. Theo tiến độ rà soát của Ban Quản lý KKTNS và các KCN, hiện nay dự án đã thi công hoàn thành tuyến kênh chính. Với các tuyến kênh nhánh đã thi công hoàn thành tuyến 1. Tuyến 2 và tuyến 3 đang triển khai thi công. Tuy nhiên, hiện nay các hộ dân thôn Kim Phú, xã Mai Lâm thường xuyên ra cản trở nhà thầu thi công. Mặc dù Hội đồng bồi thường, GPMB và tái định cư đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ hoa màu và tổ chức chi trả theo quy định của Nhà nước, tuy nhiên có 22 hộ dân không nhận tiền hỗ trợ với lý do số tiền hỗ trợ là không thỏa đáng (các hộ dân có vị trí đất kiến nghị hỗ trợ hoa màu nằm rải rác dọc tuyến kênh nhánh số 3).
Mặt bằng thi công dự án kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn (giai đoạn 1).
Với các dự án được chuyển tiếp, vướng mắc GPMB cũng đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân các dự án. Điển hình như dự án Kè chống sạt lở và nạo vét tiêu thoát lũ Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn (giai đoạn 1), hiện gói 6 - hạng mục cầu cơ giới trên sông Thạch Luyện tại K1+849,05 có tiến độ thi công bảo đảm, tuy nhiên hạng mục nạo vét và xây dựng tuyến đê bao hồ Thượng Hòa mới đạt khối lượng 8,1/32,9 tỷ đồng (đạt 24,6% giá trị hợp đồng) do phần diện tích bàn giao nhỏ lẻ, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thi công.
Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn nối đường 513 với đường ven biển tỉnh Nghệ An thuộc KKTNS hiện cũng đã thi công đạt tổng giá trị xây lắp 140/164,3 tỷ đồng, đạt 85,2% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, gói thầu số 9 của dự án theo tiến độ thực hiện dự án và tiến độ hợp đồng đã hết hạn ngày 31/12/2022 nhưng đến nay tiến độ thi công mới đạt 85,2% giá trị hợp đồng. Ngày 15/9 vừa qua, Ban Quản lý KKTNS và các KCN đã tổ chức làm việc với nhà thầu thi công và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực KKTNS và các KCN để tháo gỡ điểm vướng của dự án này. Các bên đã thống nhất điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế điểm dừng kỹ thuật theo chỉ đạo của UBND tỉnh và thương thảo hợp đồng với nhà thầu thi công.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thi công dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hiện tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo Ban Quản lý KKTNS và các KCN, cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực KKTNS và các KCN, các đơn vị liên quan phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn kế hoạch.
Cùng với nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong công tác GPMB, tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các chủ đầu tư chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý tạm ứng vốn và thu hồi vốn tạm ứng; khẩn trương rà soát các dự án có số vốn tạm ứng quá hạn nhưng đến nay chưa thu hồi được; xác định rõ chủ đầu tư, nhà thầu có số vốn tạm ứng quá hạn và nguyên nhân. Đặc biệt, đối với các dự án có số tạm ứng lớn quá hạn kéo dài nhiều năm cần xây dựng kế hoạch, lộ trình và đề ra các biện pháp cụ thể, quyết liệt, khả thi, bảo đảm thu hồi hết vốn tạm ứng quá hạn của các dự án theo quy định.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý KKTNS và các KCN, các dự án đang triển khai thi công là những dự án có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực. Hiện các nhà thầu thi công luôn sẵn sàng triển khai thêm các mũi thi công khi dự án được bàn giao mặt bằng sạch. Đơn vị đề nghị thị xã Nghi Sơn nỗ lực hơn trong công tác GPMB để nhanh chóng có thêm các khu vực được bàn giao mặt bằng sạch, thuận lợi triển khai thi công.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển, hiện nay, Ban Quản lý KKTNS và các KCN đang đề xuất với Trung ương và tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, đầu tư thêm một số tuyến đường kết nối trong KKTNS là tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn nối đường vành đai công nghiệp Tân Trường, đường Đông Tây 2 và đường Đông Tây, đoạn nối đường Bắc Nam 1B với đường Bắc Nam 4 trong nguồn vốn đầu tư công đến năm 2025. Việc đầu tư các tuyến đường này sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng kết nối tới khu cảng biển khu vực phía Bắc Nghi Sơn. Do đó, các dự án này là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và phát triển các dự án điện khí, công nghiệp chế tạo kết cấu thép siêu trường, siêu trọng, dịch vụ logistics, hạ tầng KCN đang nằm trong định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.