Đẩy nhanh tiến độ các dự án vùng Đông Nam Bộ

Các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Với tinh thần khẩn trương, chủ động, tỉnh Bình Dương xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ưu tiên nguồn lực để thực hiện, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị chủ đầu tư. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn cho các công trình, dự án theo quy định, không để xảy ra tình trạng vốn chờ công trình ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

Tỉ lệ giải ngân thấp

Ghi nhận tại dự án cầu Bạch Đằng 2, nối TP Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), hiện đã hoàn thành 85% tiến độ. Ngày 11-7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ hợp long, dự kiến khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 2-9 tới.

Cầu Bạch Đằng 2 là cây cầu thứ 2 (sau cầu Thủ Biên) nối 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai được khởi công cuối năm 2021 với tổng vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng (chia đều cho 2 địa phương). Dự án cầu và hai đường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8 km, trong đó cầu dài khoảng 410 m, rộng 17 m, 4 làn xe.

Theo kế hoạch vốn đầu tư công, tại dự án 1 xây dựng đường dẫn vào cầu phía Bình Dương, kế hoạch vốn năm 2024 được giao gần 50 tỉ đồng nhưng mới giải ngân được gần 3 tỉ đồng, đạt 6%. Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng 2 với kế hoạch vốn năm 2024 được giao là hơn 65 tỉ đồng, đã giải ngân hơn 44 tỉ đồng, đạt 68%.

Công nhân thi công cầu Bạch Đằng nối 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai Ảnh: THANH THẢO

Công nhân thi công cầu Bạch Đằng nối 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai Ảnh: THANH THẢO

Theo báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương là trên 4.190 tỉ đồng, đạt khoảng 28% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và hơn 19% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Đáng chú ý, giá trị giải ngân các công trình trọng điểm trên 2.819 tỉ đồng, đạt 16% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của tỉnh. Theo đánh giá, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương đến nay chưa đạt được kỳ vọng, lượng vốn còn chưa giải ngân khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm, thời điểm hiện tại tỉ lệ giải ngân năm 2024 thấp hơn so với năm 2023.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp. Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là hơn 20.645 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ hơn 19.651 tỉ đồng, đạt 95,19% tổng nguồn vốn.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, tỉnh mới giải ngân được hơn 4.874 tỉ đồng, đạt 24,81% so với kế hoạch đã giao. Ở nhóm dự án khởi công mới, theo kế hoạch trong năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công 24 dự án với số vốn hơn 5.490 tỉ đồng, song tổng số vốn đã giải ngân hiện mới đạt 8,77% kế hoạch. Đến nay có 7 dự án khởi công xây dựng, 1 dự án đang tổ chức đấu thầu và 16 dự án còn lại đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để thực hiện đấu thầu và khởi công. Ở nhóm dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 12,92% theo kế hoạch.

Ở Đồng Nai, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như 2 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TP HCM, đường ven sông và công viên, kè bờ sông Đồng Nai, đường ven sông Cái... không đạt kế hoạch giải ngân vốn, dù các cơ quan chức năng cũng như các địa phương đã vào cuộc triển khai rầm rộ những đợt tăng tốc giải phóng mặt bằng.

Một đoạn dự án kè và đường ven sông Đồng Nai đi qua phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị chậm tiến độ do vướng mắc mặt bằng Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Một đoạn dự án kè và đường ven sông Đồng Nai đi qua phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị chậm tiến độ do vướng mắc mặt bằng Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 19.300 tỉ đồng (bao gồm nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2023 sang năm 2024). Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 6-2024, vốn ngân sách trung ương là 2.509 tỉ đồng, giải ngân 340,09 tỉ đồng, đạt 13,55% kế hoạch. Vốn ngân sách địa phương kế hoạch giao là 12.664,119 tỉ đồng, giải ngân 2.584,187 tỉ đồng, đạt 20,41% kế hoạch…

Theo đại diện một số chủ đầu tư, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn là công tác giải phóng mặt bằng để thi công các dự án, nhất là những dự án giao thông trọng điểm.

Không được rề rà, chậm chạp

Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đánh giá tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng như công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Vì vậy, ông Võ Tấn Đức yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, địa phương phải lập chi tiết kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công; tuân thủ thực hiện kế hoạch của từng tháng, từng quý; phải tập trung thực hiện ngay từ những tháng đầu năm, tránh tình trạng đầu năm rảnh rang cuối năm phải chạy.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn thấp và có nguy cơ diễn lại đúng kịch bản của năm trước là "những tháng đầu năm thì rề rề, chậm chậm, không có tăng trưởng đầu tư công rồi cuối năm phải "vắt giò lên cổ" để chạy".

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các cơ quan chức năng phải tìm nguyên nhân tại sao giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, vướng mắc nằm ở khâu nào khiến cho không thể giải ngân được nguồn vốn. Từ đó, đưa ra giải pháp tháo gỡ để tăng tỉ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tập trung vào các công trình trọng điểm như đường Vành đai 3 - TP HCM; Quốc lộ 13; cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cầu Bạch Đằng 2;… Đồng thời yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém.

Ông Võ Văn Minh cho rằng kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh phụ thuộc rất lớn vào khả năng giải ngân của dự án Vành đai 4 - TP HCM và nguồn thu từ đề án khai thác nguồn lực từ đất. Dự án đường Vành đai 4 được chia thành 2 dự án, gồm dự án thành phần 1: Giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn, kế hoạch vốn năm 2024 gần 6.633 tỉ đồng, trong đó vốn đấu giá đất là 5.521 tỉ đồng. Dự án thành phần giải phóng mặt bằng công trình đường Thủ Biên - Đất Cuốc, kế hoạch vốn năm 2024 là 900 tỉ đồng.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, thi công các dự án bảo đảm đạt tiến độ đề ra. Ngoài ra, thành lập tổ giúp việc để báo cáo theo định kỳ về giải ngân vốn đầu tư công. Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo làm rõ trách nhiệm các chủ đầu tư trong giải phóng mặt bằng; tăng cường phối hợp giữa các địa phương với sở, ngành chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án; bám sát tiến độ để có sự giám sát, đánh giá chặt chẽ và chính xác về việc giải ngân vốn đầu tư công.

Nhiều vướng mắc, khó khăn

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết nguyên nhân khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; công tác phối hợp trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị chủ đầu tư…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh còn thấp do các chủ đầu tư gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; vướng mắc về các thủ tục đầu tư và hồ sơ pháp lý dự án. Ngoài ra, việc phối hợp giữa chủ đầu tư và các địa phương chưa chặt chẽ; một số chủ đầu tư chưa quyết liệt, chủ động hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc; năng lực triển khai thi công của một số nhà thầu còn hạn chế; chất lượng chuẩn bị dự án chưa cao.

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án giao thông trọng điểm ở Bình Dương, đối với dự án đường Vành đai 3 - TP HCM được chia thành 2 dự án, gồm Dự án thành phần 6: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tổng mức đầu tư hơn 13.527 tỉ đồng, kế hoạch vốn năm 2024 là gần 1.649 tỉ đồng, đã giải ngân được hơn 282 tỉ đồng (đạt khoảng 18%).

Dự án thành phần 5: Xây dựng đường Vành đai 3 (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi), tổng mức đầu tư là 5.752 tỉ đồng, kế hoạch vốn năm 2024 tổng cộng gần 2.187 tỉ đồng, đã giải ngân gần 564 tỉ đồng, đạt khoảng 26%.

THANH THẢO - BÍCH NGỌC - NGUYỄN TUẤN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/day-nhanh-tien-do-cac-du-an-vung-dong-nam-bo-196240715184127879.htm