Đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân ở vùng khó khăn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn hơn 40.000 người chưa có căn cước công dân (CCCD), chủ yếu là công dân sinh sống ở các thôn, bản điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Điều này làm chậm tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác thực thông tin của công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính…
Tính đến hết tháng 9/2022, lực lượng công an trong tỉnh đã thu nhận và truyền về Bộ Công an 588.145 hồ sơ căn cước công dân, trong đó đã có 536.922 công dân được trả thẻ và 543.105 hồ sơ đang xử lý (nâng tổng số công dân trong độ tuổi làm CCCD đạt 93,68%). Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 42.841 người chưa có CCCD. Kết quả thống kê của công an các huyện, thị xã, thành phố cho thấy, trong số những người chưa làm căn cước công dân nêu trên có 20.760 người vắng mặt tại địa phương do đi lao động, học tập, sinh sống tại các địa phương khác trong nước; 3.636 người đi nước ngoài lao động, học tập, sinh sống; 4.626 người già yếu, tàn tật; 1.253 người đang chấp hành án tù hoặc đi cai nghiện ma túy. Đặc biệt, có 12.070 người đang có mặt tại địa phương nhưng chủ yếu sinh sống ở những thôn, bản vùng cao, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, mặc dù công tác vận động, tuyên truyền người dân đi làm CCCD đã được triển khai quyết liệt đến từng thôn, bản, tổ dân phố, nhưng nhiều người trong độ tuổi vẫn chưa có ý thức tự giác đi làm CCCD, thậm chí không phản hồi thông tin với chính quyền địa phương khi được thông báo. Trong đó, 4 địa phương có tỷ lệ người trong độ tuổi đi làm CCCD thấp là Si Ma Cai (đạt 91,52%), Bắc Hà (92,46%), Mường Khương (92,01%) và Bát Xát (93,28%).
Tính đến ngày 3/10/2022, huyện Mường Khương còn hơn 4.170 người chưa được cấp CCCD, trong số đó đi làm xa là 1.545 người, đi xuất khẩu lao động có 67 người, già yếu 250 người; đặc biệt vẫn còn 637 người đang có mặt tại địa phương nhưng chưa tự giác đi làm CCCD. Cũng giống nhiều xã vùng cao khác của huyện Mường Khương, xã Nấm Lư có 2.566 người trong độ tuổi làm CCCD, nhưng hiện vẫn còn 219 công dân chưa đi làm. Dù đây là con số không lớn nhưng theo Đại úy Giàng Seo Chỉnh, Trưởng Công an xã, để vận động những người này đi làm CCCD rất khó khăn, bởi hầu hết sống ở các thôn vùng cao, không có đầy đủ giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ tùy thân không đồng nhất về thông tin cá nhân như tên, tuổi, ngày sinh… dẫn đến tâm lý ngại đi làm.
Thượng tá Đỗ Quang Minh, Phó Trưởng Công an huyện Mường Khương cho biết, hầu hết số người trong độ tuổi chưa tự giác đi làm CCCD là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các thôn, bản vùng cao, xa trung tâm xã, phần vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc làm CCCD, phần vì đi lại khó khăn. Cá biệt vẫn còn chính quyền cấp xã chưa quyết liệt chỉ đạo các thôn, bản vận động người dân tự giác đi làm CCCD.
“Từ ngày 1/10, huyện Mường Khương triển khai chiến dịch cao điểm 90 ngày đêm cấp CCCD cho người dân. Theo đó, huyện sẽ huy động tối đa lực lượng của Công an huyện và công an các xã tham gia làm CCCD cho người dân, đồng thời huy động sự vào cuộc của chính quyền các địa phương trong tuyên truyền, vận động người dân. Đặc biệt, chúng tôi sẽ quan tâm hơn đến đối tượng là người già, người tàn tật, người đi làm xa trở về, phấn đấu hoàn thành cấp CCCD đúng kế hoạch đề ra” - Thượng tá Đỗ Quang Minh cho biết thêm.
Là huyện vùng cao, biên giới có số xã trải dài cách nhau hàng trăm km, dân cư sống thưa thớt, Bát Xát gặp nhiều khó khăn trong triển khai cấp CCCD cho người dân. Bằng những nỗ lực, không kể ngày nghỉ, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đã triển khai các đợt cấp CCCD lưu động, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 55.085 người được làm thủ tục cấp CCCD (chiếm 93,28% số người trong độ tuổi), tuy nhiên vẫn còn 4.480 người chưa làm CCCD.
Nói về những khó khăn trong việc triển khai làm CCCD, Trung tá Phạm Ngọc Thưởng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Bát Xát thông tin: Trong số hơn 4.400 người trong độ tuổi chưa làm CCCD thì có 1.902 người đi làm xa chưa thể liên hệ để vận động. Trong khi đó, còn 2.052 người trong độ tuổi chưa làm CCCD dù đang có mặt ở địa phương nhưng đều tập trung ở các thôn, bản, vùng cao, việc vận động đi làm gặp nhiều trở ngại. Có trường hợp, cán bộ công an đến nhà vận động nhiều lần nhưng vẫn không tự giác đi làm. Trong thời gian tới, thực hiện đợt cao điểm làm CCCD trong 3 tháng cuối năm, Công an huyện đã đề nghị Công an tỉnh tăng cường thêm 1 bộ máy để đảm bảo có 3 tổ công tác đến các xã vùng cao, biên giới triển khai làm CCCD cho người dân. Cùng với đó, lực lượng công an sẽ phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh, thống nhất thông tin hộ tịch, nhất là đối với những trường hợp trên 60 tuổi mà trong hồ sơ, các loại giấy tờ cá nhân không có ngày, tháng sinh… nhằm tạo điều kiện để người dân sớm có thẻ CCCD phục vụ giao dịch và sinh hoạt.
Thượng tá Hoàng Văn Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Trước những khó khăn trong triển khai làm CCCD cho công dân ở các xã vùng cao, vùng khó khăn, Công an tỉnh Lào Cai đã có văn bản chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố tập trung nhân lực, máy móc, trang - thiết bị tổ chức cấp CCCD lưu động tại các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, đối với công an các xã vùng cao, vùng biên giới sẽ thực hiện phương án “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; đối với những người đi làm xa thì thông qua gia đình, người thân vận động, hướng dẫn thực hiện cấp CCCD tại nơi tạm trú hoặc về địa phương thực hiện cấp CCCD.
Từ ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu giấy sẽ hết hiệu lực, cùng với đó, Chính phủ sẽ tiến tới thực hiện bỏ giấy chứng minh nhân dân, khi đó CCCD gắn chip điện tử sẽ là giấy tờ quan trọng để công dân thực hiện các giao dịch. Vì vậy, thời gian từ nay đến cuối năm, công dân từ 14 tuổi trở lên cần đến trụ sở công an các xã, phường trên địa bàn để thực hiện các thủ tục làm CCCD nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình.