Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm vụ thuốc giả, thực phẩm chức năng giả
Trước tình hình đáng báo động về sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe kéo dài nhiều năm, đặc biệt là vụ việc vừa được phát hiện tại Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra số thuốc giả bị thu giữ. Ảnh: CAND
Công điện gửi các Bộ trưởng: Công an, Y tế, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương; đáng lưu ý là hoạt động sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm, đặc biệt là hàng chục loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được sản xuất, đưa vào lưu thông.
Thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là bảo đảm chất lượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán hàng giả nêu trên. Chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trường.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc; chỉ được mua bán các loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
Bộ Công an tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả nêu trên; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo Công an các cấp tăng cường nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan liên quan, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp quản lý thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Tối 16/4, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn; khởi tố vụ án, khởi tố 14 bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Đường dây này do Nguyễn Tiến Đạt và Trịnh Doãn Giáo cầm đầu, điều hành hoạt động. Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa, đường dây tồn tại suốt 4 năm lợi dụng thói quen của người dân tự mua thuốc chữa bệnh (không có kê đơn của bác sĩ), sự thiếu hiểu biết khi tìm hiểu về nguồn gốc thuốc chữa bệnh. Đồng thời, đường dây này nhằm vào nhóm người cao tuổi có nhu cầu mua, sử dụng các loại thuốc có tác dụng chữa bệnh về xương khớp, đau nhức, tê bại với giá thành rẻ, phù hợp với thu nhập của người già.
Bên cạnh đó, các bị can lợi dụng sơ hở trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc. Tổng khối lượng thuốc chữa bệnh giả và nguyên liệu để sản xuất thuốc giả là gần 10 tấn.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã khám xét 6 địa điểm là nơi sản xuất, làm việc, cất giấu thuốc chữa bệnh giả tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp.