Đẩy nhanh tiến độ Dự án Điện hạt nhân
Để bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được Chính phủ và tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2025
Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển năng lượng, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Hiện nay, sản lượng điện của tỉnh chiếm khoảng 7,2% sản lượng điện của cả nước. Tuy nhiên, với yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia để phát triển kinh tế, đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới, Trung ương đã quyết định cho khởi động lại Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Theo đó, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam khảo sát, gặp gỡ người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh.
Để dự án sớm hoàn thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết có cơ chế đặc biệt về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất ở mức cao nhất, đây là các điều kiện pháp lý để khởi động lại Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Tỉnh được giao chủ trì thực hiện giải phóng mặt bằng, di dân, TĐC.
Mới đây, tại cuộc họp rà soát tiến độ Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân yêu cầu các bộ, ngành và UBND tỉnh chủ động xử lý theo thẩm quyền, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy việc triển khai các dự án. Bộ Công Thương, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân thường xuyên theo dõi, tổng hợp và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý ngay những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Khu vực sẽ triển khai Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu UBND tỉnh hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo đúng thẩm quyền và quy định, làm cơ sở để triển khai dự án di dân, TĐC cho dự án nhà máy điện hạt nhân; làm việc với Bộ Công Thương để thống nhất phương án xử lý đối với những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự án di dân, TĐC cho Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. UBND tỉnh tập trung triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, TĐC, sớm di dời các hộ dân để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung thêm kinh phí để thực hiện (nếu cần), bảo đảm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc biệt
Theo báo cáo của Sở Công Thương, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 189, ngày 19-2-2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, TĐC đối với các khu vực bị ảnh hưởng. Đây là điều kiện tiên quyết để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1) và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (Petrovietnam, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2) có thể tiến hành các bước tiếp theo để triển khai dự án.
Ông Hồ Xuân Ninh - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có điểm TĐC nằm ở xã Phước Dinh với tổng diện tích 64,84ha, cung cấp hơn 600 lô đất. Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 có 2 điểm TĐC nằm ở xã Vĩnh Hải, gồm 1 điểm rộng 54,39ha, cung cấp 629 lô đất và 1 điểm quy hoạch chỉnh trang khu dân cư hiện hữu rộng 13,4ha. UBND tỉnh sẽ xây dựng các khu TĐC, tái định canh, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho người dân, trở thành nơi “đáng sống” theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2025, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nỗ lực triển khai công tác thu hồi đất cho gần 1.300ha, liên quan đến hơn 1.200 hộ dân. Tổng mức đầu tư cho công tác di dời dân, TĐC được điều chỉnh lên khoảng 12.400 tỷ đồng, trước mắt cần 3.200 tỷ đồng để triển khai các dự án thành phần.

Vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh).
Đến nay, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng tỉnh đã tham mưu văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị thẩm định và ký xác nhận sản phẩm đo đạc bản đồ địa chính khu đất phục vụ lập hồ sơ thu hồi đất để thực hiện Dự án thành phần di dân TĐC, giải phóng mặt bằng dự án; trình Sở Xây dựng chủ trì thẩm định nhiệm vụ quy hoạch khu tái định canh. Đồng thời, đang thực hiện việc lựa chọn nhà thầu gói thầu số 7 về đánh giá tác động môi trường và gói thầu số 9 về điều tra, khảo sát, chuyển đổi đất rừng. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng đề cương nhiệm vụ và thành lập Tổ thẩm định thuyết minh đề cương nhiệm vụ - dự toán kinh phí xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh...
Ông Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh cho biết: “Điều đáng mừng là Trung ương đã cho tỉnh nhiều cơ chế đặc biệt để thực hiện dự án như: Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để tỉnh chủ động triển khai; ưu tiên vốn ngân sách trung ương; cho phép triển khai đồng thời với điều chỉnh quy hoạch tỉnh để rút ngắn thời gian. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc thực hiện trình tự, thủ tục rút gọn đối với dự án này là hết sức cần thiết, cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, TĐC, sớm bàn giao mặt bằng dự án trong năm 2025 theo chỉ đạo của Trung ương”.