Đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong đó, nêu rõ từng dự án phải thực hiện. Đây là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, cụ thể của Chính phủ về một lĩnh vực nóng luôn được dư luận, nhân dân cả nước quan tâm.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Vấn đề giao thông, trong đó có hạ tầng giao thông từ trước đến nay vẫn luôn luôn nóng. Từ những dự án quốc gia cho đến những dự án nhỏ lẻ ở địa phương, cơ sở, điều mà người dân đã rất băn khoăn là việc thực hiện chậm tiến độ, đội vốn, để dự án treo gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của đất nước, của địa phương. Nguyên nhân, giải pháp đã luôn được các chuyên gia, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bàn thảo…Vậy nhưng, không ít những kế hoạch, lời hứa…cũng mãi treo đã làm người ta băn khoăn về năng lực, trình độ chuyên môn, quản lý của các cấp, ngành, làm giảm niềm tin của dân.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, nhìn chung, các công trình giao thông, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia đều đang chậm tiến độ. Cho đến nay, những dự án, công trình trọng điểm chậm tiến độ điển hình như Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông, Dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành, Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ..v.v.. Và rồi người ta có cơ sở để lo ngại cho những dự án mới triển khai như Dự án đường cao tốc Bắc- Nam, Dự án Cảng hàng không…

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông đã là một bài học điển hình về chậm tiến độ. Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2009, tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD (tương đương khoảng 8.770 tỷ đồng), điều chỉnh năm 2016 lên 868 triệu USD (tương đương hơn 18.000 tỷ đồng). Dự án khởi công năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng qua 8 lần hứa hẹn, đến nay dù đã hoàn thành 99%, vẫn chưa thể đưa vào khai thác. Vấn đề phức tạp nảy sinh khi triển khai áp dụng kỹ thuật, sử dụng quy trình, công nghệ, phụ thuộc vào nước ngoài. Là dự án áp dụng hình thức hợp đồng EPC (tổng thầu) thế nhưng, ngay cả hợp đồng EPC của Dự án cũng chưa đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét đưa vào sử dụng nhưng yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm.

Một số dự án cụ thể khác cũng trong tình trạng chậm tiến độ như Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận (dự kiến hoàn thành từ năm 2012, sau điều chỉnh dự kiến hoàn thành năm 2018, rồi lại năm 2020); Dự án Bến Lức- Long Thành; cầu Rạch Miễu 2 trên Quốc lộ 60…Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đảm bảo đủ nguồn vốn để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch. Với Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần đoạn Cam Lộ- La Sơn, coi như một Dự án mẫu mực, đảm bảo chất lượng, tiến độ, không thất thoát, lãng phí… Đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo tiến độ, không đợi đến năm 2020…

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, trước đó Trưởng ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - cũng đã yêu cầu ngành GTVT tháo gỡ vướng mắc, đề xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ lần này, Chính phủ tiếp tục yêu cầu, tháo gỡ các vướng mắc, nhất là nguồn vốn. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã bàn giao vốn cho các địa phương; đồng thời với quyết tâm 10/14 dự án cấp bách sẽ được triển khai khởi công từ nay đến cuối năm, quyết tâm giải ngân từ 90-95 %...

Yêu cầu có được hệ thống hạ tầng giao thông tốt phục vụ hiệu quả cho quá trình xây dựng đất nước, nâng cao đời sống luôn là mong mỏi của mọi người dân. Vì vậy, sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ được người dân rất quan tâm, đồng tình.

Chính phủ đã chỉ đạo, bộ ngành đã quyết tâm, nhưng còn đó là vấn đề thực hiện, hiệu quả của việc thực hiện, hiệu quả của dự án. Vẫn trở lại bài học từ Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông, hay ở nhiều dự án khác mà chỉ một khâu lựa chọn nhà thầu, trong đó có các yếu tố như năng lực công nghệ không đảm bảo, việc tuân thủ không đúng các quy định của pháp luật sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng. Hy vọng với sự chỉ đạo rất sát sao, cụ thể của Chính phủ, đồng thời quyết tâm của các bộ ngành liên quan, việc nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân, thể hiện bằng kết quả từ những dự án cụ thể, căn bệnh trẩm kha chậm tiến độ, đội vốn, kéo dài thi công…trong các dự án sẽ từng bước được giải quyết.

Kiên Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/day-nhanh-tien-do-du-an-giao-thong-tintuc451198