Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2024, tỉnh Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công là 7.282 tỷ 712 triệu đồng. Để hoàn thành được kế hoạch trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương phối hợp với doanh nghiệp tập trung giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà thầu giải quyết các thủ tục hành chính, thi công công trình và khẩn trương làm thủ tục giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch.
Triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do kinh tế suy thoái, nguồn thu ngân sách từ đất thấp; các dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Để hoàn thành được kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả nguồn thu từ các lĩnh vực kinh tế đi đôi với tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được HĐND tỉnh giao ở mức cao nhất, bảo đảm nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, bảo đảm chất lượng và hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Điển hình như Dự án đường liên kết vùng trục Đông Tây của tỉnh có tên đầy đủ là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Ninh Bình; kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử – văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định). Dự án chia làm 2 tuyến gồm: Tuyến 1 dài 32km, kết nối QL1 theo đường 495B (giai đoạn 1) với đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, QL21A, QL21B, nối lên cầu Thái Hà, cầu Hưng Hà; tuyến 2 dài 14,6km kết nối hai đền Trần. Tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ kết hợp với vốn địa phương, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 – 2025.
Tập trung thi công dự án Nút giao Phú Thứ. Ảnh: PV
Ông Phạm Quang Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Quá trình thi công dự án này gặp rất nhiều khó khăn, phải nhiều lần điều chỉnh về quy mô cũng như tổng mức đầu tư. Hơn nữa, trên toàn tuyến hiện nay còn vướng mắc một số điểm cần sớm giải phóng mặt bằng ở khu vực xã Trần Hưng Đạo, xã Hòa Hậu (Lý Nhân). Hiện phần mặt bằng các địa phương đã bàn giao, được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và giá trị vốn giải ngân hoàn thành vượt kế hoạch. Trong thời gian tới, để phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2024, Ban Quản lý dự án phối hợp với các địa phương và nhà thầu tập trung giải phóng mặt bằng, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Cũng như Dự án đường liên kết vùng trục Đông Tây, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và nhà thầu tập trung thi công dự án Nút giao Phú Thứ. Đây là nút giao được thiết kế, xây dựng dạng nút giao liên thông 3 tầng; trong đó: Tầng 1 xây dựng hầm trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với 6 làn xe được thiết kế vận tốc 120 km/h; tầng 2 xây dựng đảo xuyến bán kính 40m bao gồm 4 nhánh tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; tuyến đường bên Vành đai 5, thiết kế với vận tốc 60 km/h; tầng 3 cầu vượt của đường Vành đai 5 vùng Thủ đô bên trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tổng mức đầu tư của dự án xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương. Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính trúng thầu xây dựng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025. Đến thời điểm này, nhà thầu đã thi công khối lượng vượt kế hoạch đề ra.
Theo ước tính, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn giải ngân đầu tư công đạt khoảng hơn 14% kế hoạch năm. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong quý II, các cấp chính quyền cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án có thu tiền sử dụng đất hoặc bàn giao mặt bằng sạch cho các địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm được triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công.
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo đúng quy định, trong đó, chú trọng các dự án quan trọng có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình triển khai đầu tư công, các cơ quan chức năng thường xuyên đôn đốc (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch. Đối với các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động rà soát đầu tư xây dựng những công trình cấp thiết, những công trình phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/dau-tu/day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-121821.html