Đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc đối với nông thủy sản của Việt Nam
Tại Hội nghị tổng kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2023 và triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Phan Thị Thắng đề nghị, hai nước cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc đối với nông thủy sản của Việt Nam nhằm nâng cao quy mô thương mại song phương.
Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Phan Thị Thắng và Phó Chủ tịch Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Huy Quốc Hoa đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2023 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Quảng Tây.
Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử), đại diện địa phương có chung đường biên giới với Quảng Tây, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam.
Về phía Quảng Tây, Trung Quốc có Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lãnh đạo các sở ngành của Quảng Tây (gồm Văn phòng Khu, Sở Thương mại, Văn phòng Vịnh Bắc Bộ, Hải quan Nam Ninh, Sở Giao thông vận tải, Tổng trạm kiểm soát biên phòng xuất nhập cảnh) và đại diện các thành phố Sùng Tả, Bách Sắc, Phòng Thành Cảng (địa phương có chung đường biên giới với Việt Nam).
Đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc đối với nông thủy sản của Việt Nam
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng chào mừng đoàn đại biểu Quảng Tây đã đến thăm Việt Nam và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị và nhân dịp này, Thứ trưởng đã chia sẻ về những kết quả đạt được trong 03 năm (giai đoạn từ năm 2021-2023) thực hiện Kế hoạch hành động đầu tiên triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Quảng Tây và đề ra phương hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo (từ năm 2024-2026).
Theo đó, quy mô thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây trong giai đoạn 2021-2023 được mở rộng tích cực với mức tăng trưởng dự kiến năm 2023 so với năm 2020 là 43%. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam với Quảng Tây liên tục chiếm tỷ lệ rất cao (96-97%) tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam và Trung Quốc; dưới sự phối hợp thúc đẩy tích cực của cả hai bên, nhiều loại nông sản Việt Nam có thế mạnh và nhu cầu tại thị trường Trung Quốc đã được mở cửa (thạch đen, chanh leo, tổ yến…); số lượng cửa khẩu Trung Quốc đủ điều kiện nhập khẩu lương thực, thủy sản, trái cây trên tuyến biên giới Việt - Trung được mở rộng; công tác cải thiện hạ tầng cửa khẩu và mở/nâng cấp cửa khẩu biên giới có nhiều tiến triển; các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư được quan tâm và mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Cùng với đó, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm còn tồn tại gây ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước, cụ thể:
(i) hoạt động thông quan bị gián đoạn khi có dịch Covid-19;
(ii) vẫn xảy ra hiện tượng ùn tắc cục bộ hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số thời điểm, một số cửa khẩu biên giới do hàng hóa bị tập trung quá nhiều tại một vài cửa khẩu nhất định;
(iii) số lượng trái cây, nông sản Việt Nam được Trung Quốc mở cửa thị trường còn chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp hai nước…
Trên cơ sở những đánh giá nêu trên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đưa ra một số phương hướng trong thời gian sắp tới.
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp đôn đốc đẩy các cơ quan liên quan hai nước đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc đối với nông thủy sản của Việt Nam để nâng cao quy mô thương mại song phương;
Thứ hai, phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, hỗ trợ một số thương hiệu đạt danh hiệu “Thương hiệu quốc gia” của Việt Nam tăng cường xây dựng và nhận diện thương hiệu tại thị trường Trung Quốc;
Thứ ba, tạo thuận lợi và nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu biên giới thông qua công tác phân luồng thông quan hợp lý giữa các cửa khẩu, áp dụng khoa học công nghệ trong khâu truy xuất nguồn gốc khi thông quan nhằm giảm thời gian thông quan, minh bạch hóa xuất xứ và giám sát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa;
Thứ tư, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết từ vùng trồng/vùng nguyên liệu đến nơi sản xuất, hệ thống phân phối giữa Quảng Tây với các địa phương Việt Nam để đảm bảo hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định giữa hai bên.
Tăng cường kết nối giao thương, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc
Về phía Quảng Tây, Phó Chủ tịch Quảng Tây nhất trí với những đánh giá của Thứ trưởng Phan Thị Thắng và cho biết thêm, Việt Nam 24 năm liên tiếp là nước đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây, là thị trường chính của chiến lược “Hướng ra ngoài” của các doanh nghiệp Quảng Tây. Phó Chủ tịch Quảng Tây cũng điểm lại những kết quả đạt được trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa Quảng Tây với các địa phương Việt Nam.
Phía Quảng Tây đã tích cực áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam như tổ chức doanh nghiệp địa phương này tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương tại Trung Quốc và Việt Nam để quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam. Trong đó, tại “Hội nghị kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới” được tổ chức vào tháng 3 năm nay, 10 dự án đã được ký kết tại chỗ với giá trị hợp đồng là 24,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ USD).
Thời gian tới, Quảng Tây sẽ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, hội nghị kết nối kinh tế, thương mại để tăng cường quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy sản phẩm Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường và các nền tảng bán hàng tại Trung Quốc.
Quảng Tây cũng sẽ tăng cường giám sát thông quan cửa khẩu, thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thông quan như phân luồng khoa học, kéo dài thời gian làm việc, tối ưu hóa thủ tục thông quan; đồng thời điều chỉnh tạm thời, linh hoạt các tuyến vận chuyển logistics và các biện pháp khẩn cấp khác nhằm giải quyết kịp thời vấn đề ùn tắc tại cửa khẩu biên giới.
Về việc mở rộng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quảng Tây cho biết, nông sản Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả phải chăng, được người tiêu dùng và thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Chính quyền Quảng Tây về nguyên tắc ủng hộ quan điểm của Việt Nam về mở rộng các địa điểm giám sát hải quan đủ điều kiện nhập khẩu nông thủy sản và đề nghị hai bên hướng dẫn chính quyền địa phương cửa khẩu tiến hành đàm phán cụ thể căn cứ nhu cầu thực tế và khả năng thông quan của cửa khẩu.
Lãnh đạo Quảng Tây thông báo, địa phương này đang thúc đẩy Hải quan Trung Quốc tiến hành phân tích rủi ro đối với bưởi, dừa Việt Nam và tổ chức kiểm tra từ xa. Phía Quảng Tây cũng đang tích cực tạo thuận lợi thông quan đối với các loại nông sản Việt Nam, đưa Pò Chài (phía Việt Nam là Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn) trở thành “Lối thông quan xanh”.
Phía Quảng Tây đề nghị hai bên đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Cửa khẩu thông minh” giữa địa phương này với tỉnh Lạng Sơn, phối hợp làm tốt công tác thông quan vào dịp cao điểm, trong đó bao gồm việc thông báo trước nhu cầu thông quan, phối hợp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp phân luồng thông quan, thông qua các biện pháp như giảm thu phí, cải thiện các dịch vụ, chi phí logistics tại các cửa khẩu biên giới khác cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho các doanh nghiệp; tăng cường quản lý chất lượng nông thủy sản xuất khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp Quảng Tây tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương và Sở Thương mại Quảng Tây đã đàm phán, thống nhất ở cấp kỹ thuật nội dung “Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền Quảng Tây”. Hai bên thống nhất sẽ cùng triển khai các thủ tục nội bộ nhằm ký kết vào dịp phù hợp, qua đó làm cơ sở triển khai các nội dung hợp tác một cách hiệu quả thời gian tới.
Hội nghị tổng kết diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, cởi mở. Hai bên đã trao đổi và đạt được nhất trí trong nhiều nội dung hợp tác cụ thể và biện pháp thiết thực cần triển khai thời gian tới nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Quảng Tây phát triển hơn nữa, đóng góp tương xứng vào sự phát triển của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung.
Theo số liệu của Hải quan Nam Ninh, 09 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Quảng Tây - Việt Nam đạt khoảng 24,3 tỷ USD tăng 47,47% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,71 tỷ USD, tăng 38,14%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 36,59 tỷ USD, tăng 79,9%. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây (chiếm 35,61% giá trị ngoại thương của Quảng Tây), là thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn nhất của Quảng Tây.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Quảng Tây đạt 29,5 tỷ USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Quảng Tây chiếm tỷ lệ từ 96-97% tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc.