Đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn đầu tư công

ĐBP - Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh được Chính phủ giao hơn 2.589 tỷ đồng. Vốn kế hoạch năm trước kéo dài sang hơn 550 tỷ đồng. Đến nay, tổng số vốn đã phân bổ chi tiết hơn 1.743 tỷ đồng (đạt 67,35% kế hoạch giao) song tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước.

Công nhân Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 thi công hạ tầng điểm tái định cư số 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Tính đến hết tháng 5/2021, lũy kế thanh toán kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 16,6% kế hoạch vốn Trung ương giao và đạt 24,64% so với kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết. Dự ước đến hết tháng 6, tỷ lệ giải ngân đạt 29,54% kế hoạch vốn Trung ương giao và đạt 43,87% so với kế hoạch vốn đã phân bổ. Đối với nguồn vốn năm 2020 kéo dài sang, tỷ lệ giải ngân ước đạt 28,29%. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, kết quả giải ngân vốn của tỉnh chậm so với kế hoạch có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, từng nguồn vốn đều gặp vướng mắc. Như nguồn vốn nước ngoài (ODA) được giao hơn 179,1 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 5 chưa thực hiện giải ngân do hiện nay Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đang thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định vay vốn; mặt khác vốn năm nay chưa được Trung ương chuyển nguồn. Đối với nguồn vốn đầu tư các dự án kết nối, có tác động liên vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hiện mới được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2025 và đang chờ các bộ, ngành hướng dẫn triển khai thực hiện.

Nguyên nhân chủ quan là công tác tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, số vốn bố trí cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng 3 điểm tái định cư và dự án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư theo quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Điện Biên chiếm 58,7% vốn ngân sách địa phương, tuy nhiên dự án này giải ngân còn chậm dẫn đến giảm tỷ lệ giải ngân chung. Cùng với đó, nhiều dự án khác chậm tiến độ thi công do vướng mắc mặt bằng nên chưa có khối lượng để giải ngân. Cùng với đó là tâm lý ngại giải ngân, thanh toán vốn nhiều lần của một số chủ đầu tư và nhà thầu. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm chậm tiến độ thi công nhiều dự án; giá vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực và nhà thầu thi công cầm chừng để đợi giá nguyên vật liệu xuống thấp.

Hiện nay, số vốn chưa đủ điều kiện phân bổ chi tiết là hơn 845 tỷ đồng (chiếm 32,6% số vốn giao). Số vốn này được tỉnh dự kiến giao thực hiện 14 dự án. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân số vốn chưa phân bổ chi tiết do các dự án khởi công mới chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo quy định, chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm phải nằm trong kế hoạch và được cấp có thẩm quyền quyết định. Đối với những nhiệm vụ, dự án chưa đủ thủ tục đầu tư đến hết năm 2020 cần tiếp tục hoàn thiện, phân bổ sau khi Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (hiện nay chưa được Quốc hội thông qua). Mặt khác, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới nhóm C của địa phương (trừ trường hợp đã có ý kiến của Thủ tướng). Vì vậy hiện nay tỉnh đang thực hiện trình tự thủ tục để gộp thành dự án nhóm B.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần phải có các biện pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là đối với nguồn vốn đã phân bổ chi tiết và vốn kéo dài năm 2020 sang. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư phải xác định rõ những hạn chế từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Phải xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư... là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, khơi thông điểm “nghẽn”, khắc phục những điểm yếu, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ trong thời gian Quốc hội chưa thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, cho phép thực hiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 cho các dự án khởi công mới đã hoàn thiện thủ tục đầu tư trước tháng 5/2021. Đối với các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó có nhiều hợp phần (tiểu dự án thành phần) đầu tư đã được xác định về danh mục và mức vốn thì Chính phủ cho phép triển khai thực hiện theo cơ chế các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/188032/day-nhanh-tien-do-phan-bo-von-dau-tu-cong