Du khách phải tắm bằng 'gáo' trên công trình trăm tỉ ven biển Sầm Sơn
Hàng nghìn vòi tắm tráng được lắp trên bờ biển Sầm Sơn (thuộc Dự án không gian du lịch ven biển phía Đông, đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) gần như không sử dụng và để han gỉ một cách lãng phí… gây ra nhiều tác động tiêu cực, không chỉ về mặt quản lý cơ sở hạ tầng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ du lịch biển Sầm Sơn thời gian vừa qua.
"Cha chung không ai khóc” ở dự án trăm tỉ
Dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là Dự án phía Đông) được đầu tư hàng trăm tỉ với những hạng mục hiện đại. Dự án phía Đông đã được thông qua Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét kỹ lưỡng với mục tiêu làm thay đổi diện mạo không gian cảnh quan đô thị du lịch biển Sầm Sơn, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du khách theo hướng văn minh, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, trái với kì vọng, hiện các công trình thuộc dự án nằm ven biển Sầm Sơn đang xuống cấp, nhếch nhác; nhiều hạng mục ở hầu hết các Hubway, khu tắm tráng nằm dọc trên bãi cát gần như không phát huy được công năng sử dụng.
Theo tìm hiểu, Dự án phía Đông được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (hợp đồng BOT là từ viết tắt của hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao; là hợp đồng kí kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định, hết thời hạn, nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam) vào các năm 2015, 2016. Công ty Cổ Phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) trúng thầu, theo hình thức đối tác công tư; nhà đầu tư được phép kinh doanh, khai thác trong 29 năm để thu hồi vốn, sau khi thu hồi vốn xong sẽ bàn giao công trình lại cho Nhà nước.
Dự án được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha, bao gồm nhiều hạng mục: Các Hubway, khu công trình phục vụ nhu cầu của khách tắm tráng, khu nhạc nước, khu khuôn viên cây xanh, khu vui chơi, giải trí cho trẻ em,... Tuy nhiên, Tập đoàn FLC chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác gồm: 14 Hubway, 14 công trình tắm tráng trong nhà, 12 công trình tắm tráng ngoài trời, với tổng giá trị đầu tư xây dựng khoảng 100 tỉ đồng.
Ghi nhận của Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, hệ thống các Hubway là một trong những hạng mục quan trọng của Dự án phía Đông. Các Hubway được thiết kế 1 tầng hiện đại, có diện tích từ 250 - 300 m2. Mỗi Hubway được ví như một công trình có nét cá tính riêng, phục vụ bar - café, đồ ăn nhanh, massage, y tế...
Trong thời gian tập đoàn FLC quản lý, vận hành, các Hubway hầu như phục vụ được tất cả các nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt phù hợp với các gia đình có quỹ thời gian ngắn, đi về trong ngày. Mỗi Hubwayđược thiết kế rất hiện đại: Quầy Bar trong nhà phù hợp với các vị khách thích sự yên tĩnh, riêng tư; Khu vực bàn ghế ngoài trời được thiết kế, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét gần gũi với thiên nhiên, mang hơi hướng của biển; Khu vực gửi đồ, tắm tráng được quy hoạch gọn gàng, sạch sẽ; Ngoài ra, bên trên nóc là nơi khách du lịch có thể đứng hóng gió, ngắm bình minh trên biển cực kỳ thú vị...
Tuy nhiên, hiện tại Dự án đã được bàn giao cho địa phương quản lý, các hạng mục trên đã xuống cấp, hư hỏng, lãng phí; các cửa kính của Hubway bị vỡ phải dùng thanh gỗ để gia cố, khu vệ sinh cỏ mọc um tùm, tủ điện hư hỏng, không thể vận hành. Bên cạnh đó, hàng nghìn vòi nước khu tắm tráng gần như để không, han gỉ; khách du lịch muốn tắm tráng ở hệ thống này phải dùng đến xô, gáo múc nước...
Du khách Đỗ Xuân Hòa, trú tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa phàn nàn: “Hai năm nay, tôi mới trở lại Sầm Sơn nhưng vô cùng ngạc nhiên và bất ngờ khi Sầm Sơn lại nhếch nhác như vậy. Hàng loạt Hubway, khu tắm tráng mọc lên nhìn hiện đại, hoành tráng nhưng không thể phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Tôi nghĩ, lãnh đạo thành phố cần nghiên cứu để công trình này được đưa vào sử dụng một cách hiệu quả, giúp Sầm Sơn tiến gần với sự phát triển của thành phố du lịch khác…"
Nguyên nhân do đâu?
Theo tìm hiểu, tháng 8/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có chủ trương cho phép chấm dứt hợp đồng BOT tại văn bản số 12755/UBND-CN ngày 20/8/2021 đối với Dự án phía Đông. Đến ngày 6/12/2022, Tập đoàn FLC đã có văn bản số 691/FLC-BĐT1 báo cáo về Dự án. Theo đó, Tập đoàn FLC báo cáo về chi phí đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án khoảng 100 tỉ đồng; về kinh doanh của Nhà đầu tư từ năm 2016 đến tháng 6/2022, lợi nhuận sau thuế âm 1,54 tỉ đồng. Về phía UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã đồng ý cho Tập đoàn FLC trả lại và giao cho TP Sầm Sơn cùng các ngành liên quan tiếp nhận tài sản bàn giao lại của đơn vị để đưa vào tài sản công.
Theo dự kiến các phương án đề xuất, sau khi tiếp nhận Dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, UBND TP Sầm Sơn sẽ đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức đấu giá quyền vận hành, khai thác, quản lý 14 Hubway ven biển theo đúng quy định. Nhằm lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, có năng lực, kinh nghiệm, tài chính và đóng góp cho ngân sách Nhà nước lớn nhất để quản lý, vận hành, khai thác Hubway hiệu quả.
Tuyn nhiên, không hiểu vì lý do gì, từ đó đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thể tổ chức đấu giá. Do vậy, hơn 2 năm nay, TP Sầm Sơn đã phân công cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn là đầu mối, đồng thời giao cho 11 Đoàn Thanh niên xã, phường quản lý, vận hành tạm thời các Hubway trên bờ biển.
Theo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn cho biết, hiện Trung tâm đang quản lý 2 Hubway, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố quản lý 1 Hubway và 11 xã, phường, mỗi đơn vị quản lý 1 Hubway. Hiện nay, nhiều hạng mục của Dự án đã xuống cấp. Một cái tủ điện do trời mưa vừa bị nổ, hiện tại Hubway 11 vẫn không có điện, một số máy bơm nước cũng bị cháy nhưng không có tiền sửa chữa, không có trong hạng mục thanh toán. Hiện các Hubway chưa có Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nên chỉ được bán hàng đóng gói và nước dừa.
Cũng theo thông tin từ phía Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn, đối với hệ thống tắm tráng, trước đây khi Tập đoàn FLC vận hành thì có đủ các loại máy như: Máy tăng áp, máy bơm bể chứa, máy hút... nên mới cung cấp đủ lượng nước cho du khách sử dụng dịch vụ. Còn hiện nay, nếu có khách tắm thì các khu tắm tráng chỉ có thể dùng máy bơm nước ngầm lên các thùng chứa, rồi lấy gáo và xô múc; nhưng cũng chỉ phục vụ được số ít khách du lịch, còn hầu hết du khách đều phải ra ngoài tìm nhà dân để thuê chỗ tắm.
Có lẽ chính vì hình thức quản lý theo kiểu "cha chung không ai khóc" nên 2 mùa du lịch qua, những hạng mục hiện đại còn dang dở ở đây hoạt động chưa đúng công năng nên đã làm khách du lịch thất vọng vô cùng. Nhưng lý do vì sao, sau hơn 2 năm, kể từ khi Tập đoàn FLC trả lại, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa thể tổ chức đấu giá quyền khai thác đối với các hạng mục trong Dự án không gian du lịch ven biển đường Hồ Xuân Hương để dự án trăm tỉ hoạt động hiệu quả?