Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định) là dự án thành phần thuộc dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án có chiều dài 88km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đơn vị nhà thầu đã tập trung phương tiện, nhân lực làm việc liên tục; bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được các địa phương gấp rút hoàn thành để bàn giao đất cho nhà thầu thi công.
Có mặt tại các điểm thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc địa phận các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa của tỉnh Quảng Ngãi, PV Báo CAND nhận thấy đơn vị thi công đã huy động hàng trăm công nhân, hàng chục phương tiện làm việc trên công trường. Ông Nguyễn Ngọc Đức, cán bộ Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị nhà thầu đứng đầu liên danh thực hiện thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, riêng đoạn từ Km3+450-Km12, đơn vị thi công đã huy động hơn 230 công nhân, 51 xe vận chuyển đất, 16 xe lu cùng nhiều phương tiện khác làm việc 2 ca trong ngày.
"Với phương châm mặt bằng đến đâu, triển khai thi công đến đó, chúng tôi luôn sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết từ nhân lực, vật lực đến trang thiết bị, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Nhờ đó mà đến nay thì tiến độ thi công được đảm bảo", ông Đức cho biết thêm.
Theo tìm hiểu, giai đoạn 1 cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 - Bộ Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu đứng đầu liên danh thực hiện thi công. Về tiến độ dự án theo kế hoạch, đối với phần cầu, đường được thi công trong thời gian 34 tháng (từ tháng 1/2023 - 10/2025); phần hầm thi công 42 tháng (3/2023 - 8/2026).
Tính đến ngày 14/7, địa phương đã bàn giao mặt bằng được 74,9km/88km, đạt 85,1%; trong đó tỉnh Quảng Ngãi bàn giao 52,51km/60,3km (đạt 87,1%), tỉnh Bình Định đã bàn giao 22,4km/27,7km (đạt 81%); mặt bằng nhà thầu tiếp nhận là 70,27/88km, đạt 79,9%; mặt bằng có thể tiếp cận thi công được là 57,83/88km, đạt 65,7%. Nhà thầu đã triển khai 35/39 mũi thi công trên hiện trường; huy động hơn 1.800 nhân sự và gần 700 máy móc thiết bị.
Theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ, nhà thầu lập hồ sơ xin cấp phép 11 mỏ đất với tổng công suất khoảng 9 triệu m3. Đến nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép khai thác 1 mỏ với tổng công suất 1 triệu m3; 3 mỏ đang thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và sẽ cấp phép khai thác trước ngày 30/7 tới; 7 mỏ đang thực hiện các thủ tục xin cấp phép. Về mỏ cát, nhà thầu sử dụng 5 mỏ thương mại để cung cấp 0,35 triệu m3, phần còn thiếu (0,55 triệu m3) nhà thầu đang thực hiện thủ tục xin cấp phép 1 mỏ với trữ lượng 0,57 triệu m3. Về đá, nhà thầu sử dụng đá tận dụng từ đào hầm và các mỏ thương mại.
Tại tỉnh Bình Định, quy trình thực hiện cấp phép mỏ vật liệu được UBND tỉnh Bình Định hướng dẫn. Đối với mỏ đất, nhà thầu xin cấp phép khai thác 3 mỏ với tổng trữ lượng 4,6 triệu m3. Đến nay, 2 mỏ đã có Bản xác nhận khối lượng khai thác, 1 mỏ đang thực hiện thủ tục cấp Bản xác nhận khối lượng khai thác. Nhà thầu đang phối hợp với địa phương để thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đăng ký kế hoạch sử dụng đất trình HĐND tỉnh Bình Định trong tháng 7/2023...
Hiện nhà thầu đang tập trung cho 2 mục tiêu chính: Thông hầm số 2 và tăng sản lượng thi công với giải pháp thực hiện tăng ca làm xuyên đêm trước mùa mưa; mua sắm, sản xuất trước các loại vật tư, vật liệu (sắt, thép, nhựa,…), các cấu kiện thi công hầm (neo, vì thép), hệ thống an toàn giao thông, các cấu kiện đúc sẵn (cống, dầm cầu) để tránh việc biến động giá nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Để cụ thể hóa mục tiêu, Tập đoàn Đèo Cả đăng ký thông hầm số 2 thuộc gói thầu XL2 vào tháng 12/2023 (vượt tiến độ 4 tháng); giá trị giải ngân toàn dự án trong năm 2023 là 4.000 tỷ đồng.