Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

BHG - Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, giai đoạn 1 là dự án đường cao tốc đầu tiên được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Dự án hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang. Đồng thời, giải quyết “điểm nghẽn” về giao thông liên kết vùng, thúc đẩy giao thương hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc). Đặc biệt, du lịch đang khởi sắc tại tỉnh ta có cơ hội lớn để phát triển hơn nữa. Với tính chất quan trọng đó, Tỉnh ủy đã thành lập tổ công tác để chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án, gắn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Dự án khởi công ngày 28.5.2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Hiện, đơn vị thi công đang thi công đồng loạt không ngừng nghỉ, ngày đêm tập trung nhân lực, vật lực, “vượt nắng thắng mưa” nỗ lực hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.

Dự án được chia làm 3 gói thầu xây lắp gồm: Gói thầu số 03-XL, đoạn từ km0-km12+500; gói thầu xây lắp số 04-XL, đoạn từ km12+500-km19+120 và số 05-XL, đoạn từ km19+120 - km27+480.

Toàn dự án có 183 hộ có đất ở, nhà ở phải di chuyển, trong đó có 80 hộ tái định cư tự lo chỗ ở gồm: Thị trấn Vĩnh Tuy 9 hộ, xã Vĩnh Hảo 15 hộ, xã Quang Minh 29 hộ, xã Việt Vinh 9 hộ, xã Tân Quang 18 hộ; 103 hộ tái định cư tập trung, trong đó xã Hùng An 62 hộ, xã Quang Minh 29 hộ, xã Tân Quang 12 hộ. Hiện tỉnh đã quy hoạch 3 khu tái định cư tại xã Hùng An, Quang Minh và xã Tân Quang. Hiện nay đang tổ chức thi công vị trí tái định cư xã Hùng An, còn lại 2 vị trí đang tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư.

Nhà thầu VINACONEX mở tuyến đoạn thôn Tân Hùng, xã Hùng An (Bắc Quang).

Nhà thầu VINACONEX mở tuyến đoạn thôn Tân Hùng, xã Hùng An (Bắc Quang).

Tại gói thầu số 03-XL có chiều dài 12,5 km, hiện nhà thầu đang tích cực san ủi mặt bằng, đào đắp nền đường, thi công các hạng mục công trình thoát nước, hầm chui dân sinh. Do thực hiện dự án vào đúng mùa mưa bão, thời tiết mưa nắng thất thường, nhiều đoạn chưa giải phóng được mặt bằng, thi công chưa liền tuyến nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ đề ra. Để khắc phục khó khăn, các đơn vị đã tập trung máy móc thi công 2 ca liên tục kể cả ngày nghỉ lễ.

Anh Đào Ngọc Huấn, Chỉ huy trưởng công trường - Tổng Công ty Cổ phần xuất, nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – (VINACONEX), cho biết: Trên tuyến này mặt bằng nhiều đoạn chưa liền mạch, ngắt quãng, một số đoạn mới tiếp nhận bàn giao mặt bằng do vậy rất khó khăn trong việc di chuyển máy móc thiết bị, điều phối đất, vận chuyển vật liệu, nên có đoạn nào thì chúng tôi đưa thiết bị thi công triển khai đoạn đó, như cào bóc mặt bằng, phát cây dọn tuyến, còn những đoạn chưa nhận được mặt bằng thì vẫn đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Giải phóng mặt bằng huyện Bắc Quang tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án cao tốc qua địa phận tỉnh ta (giai đoạn I) có chiều dài 27,5 km đi qua khu vực đồi núi, địa hình phức tạp. Để làm nền đường, nhà thầu phải huy động nhiều thiết bị máy móc đào, đắp nền đường với tổng khối lượng khoảng 9,5 triệu m3. Hiện nay, với gói thầu số 03 – XL nhà thầu thi công đã huy động 52 máy múc, xe vận chuyển các loại; 1 phòng thí nghiệm hiện trường và trên 100 cán bộ, kỹ sư, công nhân sẵn sàng thi công khi có mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án.

Đồng chí Lê Tiến Dũng, Quyền Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết: Đây là tuyến đường mở mới hoàn toàn, vì vậy điều kiện địa hình của tuyến đường tương đối phức tạp, núi cao, vực sâu nên thi công khó khăn, đặc biệt là mái ta luy và hệ thống cầu trên tuyến. Đây là lần đầu tiên BQL dự án quản lý một dự án quy mô lớn, có chiều dài trên 27 km mà phải xây dựng tới 11 cây cầu lớn, do vậy để đẩy nhanh tiến độ thi công, quản lý chặt chẽ chất lượng công trình, BQL dự án đã bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn và xây dựng kế hoạch chi tiết để quản lý chặt chẽ các khâu trong thực hiện dự án.

Một trong những điều kiện thuận lợi để tổ chức thi công dự án là tỉnh ta đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở vùng dự án đi qua đều quyết liệt, khẩn trương tháo gỡ khó khăn. Do dó, dự án nhận được sự đồng thuận từ phía nhân dân để mở ra cơ hội thoát nghèo, thay đổi diện mạo quê hương.

Đồng chí Hà Việt Hưng, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, chia sẻ: “Từ khi triển khai dự án, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách của nhà nước trong thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Giúp người dân hiểu rằng đây là cơ hội lớn để được mở mang giao thương hàng hóa, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt những vùng dự án đi qua là vùng khó khăn của huyện, nhiều vườn rừng, đất nông nghiệp, sông hồ nên tiềm năng để phát triển kinh tế còn rất lớn. Khi tuyến đường cao tốc thông tuyến thì cơ hội phát triển kinh tế, đầu tư kinh doanh được mở ra để người dân có việc làm, tăng thu nhập nên người dân nhiệt tình ủng hộ, đồng thuận”.

Trên địa bàn xã Quang Minh có 254 hộ thuộc diện thu hồi đất, với trên 80 ha. Để dự án được triển khai thuận lợi, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, 4 tổ công tác thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, vận động người dân; đồng thời tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn những hiện tượng trồng cây, xây dựng công trình trái phép trên diện tích đã kiểm đếm phải thu hồi, để tránh phức tạp cho công tác bồi thường, hỗ trợ sau này.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Giang, thôn Quang Tiến, xã Quang Minh có 1.100 m2 đất rừng, 963 m2 đất ruộng được nhà nước thu hồi và được chi trả 230 triệu đồng tiền bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Ông Giang vui vẻ cho biết: Ông và những người dân trong thôn thuộc diện thu hồi đất cho dự án rất vui mừng khi có một con đường chạy qua, đây lại là đường cao tốc, rất thuận tiện cho giao thông hàng hóa và việc đi lại của con cháu sau này. Vì vậy, ngay sau khi có chủ trương thu hồi đất của nhà nước; xã, thôn họp thông báo, gia đình ông đồng thuận, chấp hành và nhận tiền.

Có thể khẳng định, dự án được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc các cấp, các ngành và đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư vẫn là nhiệm vụ khó khăn, nếu không được giải quyết kịp thời, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.

Để thi công đồng loạt toàn tuyến, đồng chí Lê Tiến Dũng cho biết thêm: Đối với gói thầu xây lắp số 04-XL, đoạn từ km12+500 - km19+120, hiện nay đã ký hợp đồng thi công, nếu được bàn giao mặt bằng sẽ triển khai thi công ngay. Gói thầu số 05-XL, đoạn từ km19+120 - km27+480, hiện nay BQL dự án đang tổ chức chấm thầu, dự kiến ngày 28.9.2023, ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu để tổ chức thi công đồng loạt. Để đảm bảo điều kiện thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 cho các gói thầu còn lại thì yếu tố quan trọng là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải được bàn giao kịp thời cho đơn vị thi công.

Theo báo cáo của BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, tổng vốn giao cho dự án là 1.161,465 tỷ đồng; trong đó: kế hoạch năm 2023 là 1.154 tỷ đồng. Để thực hiện hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn năm 2023 đã giao cho dự án thì mặt bằng phải được bàn giao cho từng gói thầu đạt từ 50% chiều dài tuyến trở lên và chi trả hết số kinh phí dự kiến phân bổ cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202310/day-nhanh-tien-do-thi-cong-cao-toc-tuyen-quang-ha-giang-9017edf/