Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất: Tránh lãng phí tài nguyên, tạo động lực phát triển

'Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất' (Các Mác). Với vai trò hết sức quan trọng, thậm chí là hệ trọng của nó, nên xây dựng và triển khai thực hiện tốt chính sách đất đai nói chung, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nói riêng, được xem là tiền đề, là chìa khóa để giải phóng tư liệu sản xuất đặc biệt này, tạo ra nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Việc thu hút và triển khai thực hiện các dự án bất động sản cao cấp, đã và đang góp phần tạo dựng diện mạo đô thị hiện đại cho TP Thanh Hóa. Ảnh: Khôi Nguyên

Việc thu hút và triển khai thực hiện các dự án bất động sản cao cấp, đã và đang góp phần tạo dựng diện mạo đô thị hiện đại cho TP Thanh Hóa. Ảnh: Khôi Nguyên

Những con số “biết nói”

Với những chính sách thông thoáng, cởi mở, nhiều năm trở lại đây, Thanh Hóa đang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có thể nói, việc đón được các “làn sóng” đầu tư nghìn tỷ, triệu đô, đã và đang mở ra cơ hội bứt phá vươn lên chưa từng có cho mảnh đất này. Song khách quan nhìn nhận, vẫn còn những vấn đề bất cập phát sinh, buộc cấp ủy, chính quyền các cấp phải cùng trăn trở, cùng cộng đồng trách nhiệm để tìm hướng giải quyết. Đặc biệt, một “nút thắt” đang cần được tháo gỡ một cách triệt để, nhanh chóng và hiệu quả lúc này là đất đai. Bởi thực tế cho thấy, nhiều khu đất “vàng”, đất “bạc” đang bị “giam”, bị “ghim” lại suốt nhiều năm, thậm chí cả chục năm qua, do nhiều dự án chưa được triển khai, hoặc triển khai chậm tiến độ. Thực trạng này đã và đang khiến cho nguồn lực đất đai chưa thể “giải phóng” hết năng lượng vốn có của nó, nhằm tạo đà thúc đẩy tăng trưởng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tính đến ngày 30-5-2023, trên địa bàn tỉnh có 3.245 dự án được giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích 17.979,6 ha. Trong giai đoạn từ tháng 7-2014 đến nay, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đối với 727 lượt dự án (chiếm 22,65% tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất). Kết quả, có 339 dự án không thực hiện, hoặc thực hiện chậm tiến độ (chiếm 10,5% tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất).

Các dự án không thực hiện, hoặc thực hiện chậm tiến độ chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ. Cụ thể: có 18 dự án không triển khai thực hiện (không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi được bàn giao đất trên thực địa, vi phạm quy định tại Điểm I Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013); có 321 dự án chậm tiến độ đầu tư (trong đó 167 dự án chậm tiến độ đầu tư nhưng chưa chậm quá 24 tháng, nên chưa vi phạm pháp Luật Đất đai; 154 dự án chậm tiến độ đầu tư quá 24 tháng).

Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trên cơ sở báo cáo của UBND cấp huyện và danh sách tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở TN&MT đã rà soát và thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư đối với 141 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh (theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7586/UBND-NN ngày 31-5-2023) và dự kiến sẽ báo cáo kết quả kiểm tra trước ngày 30-9-2023.

Căn nguyên dẫn đến “độ trễ”

Từ những con số nêu trên có thể thấy, theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đất đai, một số dự án sau khi hết thời gian thực hiện dự án được quy định trong quyết định chấp thuận chủ trương, hoặc giấy chứng nhận đầu tư, thì thời gian thực hiện có thể được kéo dài thêm 72 tháng (24 tháng được điều chỉnh tiến độ theo Luật Đầu tư + 24 tháng được chậm tiến độ theo Luật Đất đai + 24 tháng được UBND tỉnh quyết định gia hạn theo Luật Đất đai), chưa kể thời gian gia hạn do bất khả kháng (nếu có). Tuy nhiên, không ít dự án dù đã được gia hạn nhiều lần, nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện, hoặc triển khai chậm tiến độ.

Đi tìm căn nguyên cho sự chậm trễ này, trước hết không thể không nhấn mạnh đến trách nhiệm và năng lực của các chủ đầu tư. Thực tế cho thấy, việc thu hút được những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm và có chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản, thậm chí là am hiểu văn hóa vùng đất... thì họ chính là những nhà đầu tư có khả năng tạo ra đột phá tăng trưởng cho một lĩnh vực, hay một địa phương; và ngược lại. Hiện có những dự án được xây dựng trên “nền móng” thiếu vững chắc, với tính khả thi không cao, là bởi một số nhà đầu tư đề ra mục tiêu, quy mô dự án chưa sát với tình hình thực tế. Do vậy, nếu thực hiện dự án sẽ kém hiệu quả, thậm chí là thua lỗ, nên buộc họ phải trì hoãn việc đầu tư.

Bên cạnh đó, do năng lực tài chính yếu, năng lực quản lý dự án hạn chế, nên một số dự án sau khi được giao đất, nhà đầu tư không đủ khả năng triển khai; mà ngược lại, có dấu hiệu giữ đất để tìm kiếm liên kết, hoặc tìm kiếm chủ đầu tư khác để chuyển nhượng cổ phần, hoặc tìm cách chuyển mục đích thực hiện dự án. Đó là những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ một số dự án. Ngoài ra, thêm một nguyên nhân nữa dẫn đến “độ trễ” trong triển khai một số dự án là do một số chủ đầu tư chưa tìm hiểu kỹ, chưa nắm vững các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... dẫn đến chậm trễ hoặc sai phạm trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, cũng có những dự án “chậm kinh niên” hàng chục năm, mà nguyên nhân là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài. Theo thông tin từ Sở TN&MT, việc chậm trễ này là bởi một số dự án được giao đất trước ngày 1-7-2004 (thực hiện theo Luật Đất đai 1993), Nhà nước thu hồi đất để GPMB và giao đất cho nhà đầu tư trong cùng một quyết định. Công tác GPMB thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện, song do nhiều yếu tố tác động nên việc GPMB toàn bộ diện tích dự án ở một số địa phương rất chậm, đã gây chậm trễ cho việc triển khai dự án. Bên cạnh đó, một số dự án chậm tiến độ, khó triển khai hoặc không triển khai được là bởi hạ tầng phục vụ dự án do Nhà nước đầu tư chưa hoàn thiện và đồng bộ (giao thông xung quanh khu vực, đường vào dự án); hoặc do ảnh hưởng của các công trình xung quanh (công trình quốc phòng, khí tượng thủy văn...). Ngoài ra, thêm một nguyên nhân khách quan nữa là tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế, đã gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc huy động nguồn vốn, nguồn lao động và triển khai thi công dự án...

Song, bên cạnh trách nhiệm và năng lực của nhà đầu tư, cũng cần khách quan nhìn nhận về vai trò, trách nhiệm của cả cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các địa phương liên quan. Có một vấn đề đã và đang tồn tại, dù đã được “nhận diện” nhưng để tháo gỡ là không dễ, đó là hiệu quả phối hợp liên ngành. Bởi lẽ, thủ tục đầu tư dự án liên quan đến nhiều ngành (chẳng hạn như kế hoạch và đầu tư, xây dựng, TN&MT, phòng cháy chữa cháy...). Do đó, nếu việc phối hợp giữa các ngành không chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả và không vì lợi ích chung, mà theo kiểu “quyền anh”, “quyền tôi”; thì cái mất ở đây không chỉ là mất nhiều thời gian của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; mà còn là mất niềm tin của họ vào môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương.

Có thể khẳng định, nhiều năm trở lại đây, bên cạnh các chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút đầu tư, Thanh Hóa luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, với phương châm “thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Thanh Hóa”. Song, thực tế không phải ngành nào, địa phương hay đơn vị nào cũng thực hiện phương châm ấy một cách nhanh chóng, triệt để và hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cũng bởi tinh thần trách nhiệm chưa cao của một số sở, ngành, UBND cấp huyện, nên việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư chưa kịp thời. Và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án vẫn còn nằm... trên giấy.

Siết chặt quản lý!

“Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất” (Các Mác). Với vai trò hết sức quan trọng, thậm chí là hệ trọng của nó, nên xây dựng và triển khai thực hiện tốt chính sách đất đai nói chung, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nói riêng, được xem là tiền đề, là chìa khóa để giải phóng tư liệu sản xuất đặc biệt này, tạo ra nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ở chiều ngược lại, các chính sách về đất đai nếu còn những lỗ hổng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai vẫn còn những hạn chế, thì không những sẽ tạo ra kẽ hở cho tham nhũng chính sách phát sinh, mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng đất, gây lãng phí tài nguyên.

Vậy, câu chuyện trách nhiệm ở đây là gì và giải pháp khả thi nào cần đặt ra lúc này, nhằm trả lời cho được các câu hỏi: Bao giờ các dự án chậm tiến độ có thể hoàn thành và đi vào khai thác để tạo ra lợi nhuận và các giá trị như đã cam kết? Các dự án vi phạm quy định pháp luật đất đai, pháp luật đầu tư cần phải được xử lý ra sao để những khu đất “vàng”, đất “bạc” có thể phát huy đúng giá trị vốn có của nó?

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, từ năm 2020 đến ngày 15-6-2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 11 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư, đất đai đối với dự án đầu tư có sử dụng đất chậm tiến độ, kéo dài. Đặc biệt, năm 2021, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, tiến hành rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vấn đề cụ thể của từng dự án. Qua đó, kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với các dự án vi phạm quy định pháp luật đầu tư, cũng như tiến hành thu hồi đất đối với các dự án vi phạm quy định pháp luật đất đai. Song, những kết quả đạt được (như đã nêu ở phần “Những con số “biết nói””), thiết nghĩ, mới chỉ là bước đầu.

Do đó, cần phải quyết liệt thực hiện các giải pháp trước mắt như đôn đốc các chủ đầu tư tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án đã khởi công, các dự án chậm tiến độ so với cam kết, để hoàn thành và đưa vào khai thác. Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường... để các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sớm được triển khai. Thiết nghĩ, với các dự án chậm tiến độ vi phạm pháp luật đất đai, đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng, thì cơ quan Nhà nước cần hướng dẫn chủ đầu tư tự nguyện trả đất (theo Luật Đất đai), hoặc báo cáo chấm dứt dự án đầu tư (theo Luật Đầu tư).

Song về lâu dài, việc lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự phải được xem là mấu chốt của vấn đề. Đồng thời, một giải pháp cần được tiến hành triệt để hơn đó là kiên quyết chấm dứt đầu tư và thu hồi đất đối với các dự án vi phạm quy định pháp luật đầu tư, đất đai, đặc biệt là các dự án đã được gia hạn nhiều lần. Chỉ có như vậy thì những con số về dự án đầu tư (3.245 dự án) và diện tích đất được giao, cho thuê (17.979,6 ha) mới thực sự trở thành những con số mang theo kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ cho mảnh đất xứ Thanh.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/day-nhanh-tien-do-trien-khai-cac-du-an-dau-tu-co-su-dung-dat-nbsp-tranh-lang-phi-tai-nguyen-tao-dong-luc-phat-trien/190108.htm