Phân quyền cho Hà Nội thực hiện một số thẩm quyền của cơ quan trung ương

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương là chính quyền thành phố Hà Nội được thực hiện một số thẩm quyền mà các luật hiện hành khác đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các cơ quan khác ở trung ương thực hiện.

Luật Thủ đô (sửa đổi):

Hà Nội với những con phố xanh mát, yên bình. Ảnh: Khánh Huy

Hà Nội với những con phố xanh mát, yên bình. Ảnh: Khánh Huy

Theo quy định tại Điều 4 áp dụng Luật Thủ đô, có 3 khoản. Trong đó, khoản 1 nêu rõ: trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Tại khoản 2, trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay về việc áp dụng pháp luật trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phía Tây Hà Nội phát triển với nhiều công trình giao thông lớn được hình thành. Ảnh: Khánh Huy.

Phía Tây Hà Nội phát triển với nhiều công trình giao thông lớn được hình thành. Ảnh: Khánh Huy.

Khoản 3 nêu, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định về áp dụng pháp luật mà nên thể hiện theo quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thông tin, như đã báo cáo với Quốc hội, Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, là đạo luật phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương và có phạm vi áp dụng chủ yếu chỉ giới hạn trong địa giới hành chính và trách nhiệm quản lý của Thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày bào cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày bào cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

Thực tế, do không có quy định về áp dụng pháp luật nên rất nhiều quy định đặc thù trong Luật Thủ đô năm 2012 đã bị vô hiệu hóa bởi các luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành sau đó. Do đó, việc Chính phủ đề xuất có điều quy định riêng về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong Luật Thủ đô lần này là cần thiết, nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật như đã nêu ở trên.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Thanh Tùng còn trình bày về việc giao UBTVQH quyết định áp dụng luật, nghị quyết của Quốc hội tại khoản 2 Điều 4. Theo đó, UBTVQH báo cáo rằng: Tính cần thiết trong trường hợp tại khoản 2 Điều 4 có thể là thuận lợi hơn, ưu đãi hơn hoặc có thể là hạn chế hơn nhưng lại phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tiễn của Thủ đô trong từng bối cảnh, điều kiện cụ thể. Vì vậy, việc xác định thế nào là cần thiết để lựa chọn áp dụng pháp luật cần giao cho UBTVQH và các cơ quan xem xét, cân nhắc khi quyết định áp dụng các quy định này. Đồng thời, Quốc hội giao UBTVQH thẩm quyền quyết định áp dụng luật, nghị quyết của Quốc hội là phù hợp với Hiến pháp.

Bên cạnh đó, tại điểm đ khoản 5 Điều 52 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã giao trách nhiệm cho UBND Thành phố đề xuất việc áp dụng quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô mà cần được áp dụng, báo cáo HĐND Thành phố cho ý kiến trước khi báo cáo Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định.

Chia sẻ góp ý về khoản 3 Điều 4, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, quy định về việc áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao tại khoản 3 Điều 4 là hết sức cần thiết bởi Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương là chính quyền thành phố Hà Nội được thực hiện một số thẩm quyền mà các luật hiện hành khác đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các cơ quan khác ở trung ương thực hiện.

Do đó, không thể tránh khỏi có trường hợp về cùng một vấn đề đồng thời có cả quy định trong các văn bản quy định chi tiết hay thực hiện thẩm quyền mà Luật Thủ đô giao và quy định trong các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các Bộ chuyên ngành. Trong trường hợp này, cần xác định rõ văn bản được ban hành theo quy định của Luật Thủ đô được áp dụng để minh bạch hóa, tạo sự yên tâm cho các chủ thể trong quá trình thi hành pháp luật. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 mới chỉ xử lý được các trường hợp có quy định khác giữa Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết khác của Quốc hội mà chưa thể hiện rõ nguyên tắc áp dụng đối với các văn bản dưới luật.

Sáng 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 462/470 tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (đạt 95,06%).

Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Luật đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phan-quyen-cho-ha-noi-thuc-hien-mot-so-tham-quyen-cua-co-quan-trung-uong-386186.html