Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử

Chiều 26/8, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tự tổ chức hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử và các thành viên dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề lớn, vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển. Thời gian qua, công việc này đạt được một số bước tiến như xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử chung của Việt Nam tăng 2 bậc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, do đó, cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đưa ra các chủ trương, biện pháp mới để tháo gỡ, thúc đẩy Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Ngày 10/7/2020, Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, ghi nhận kết quả trong giai đoạn từ tháng 8/2017 – 7/2019. Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ; xếp thứ 24/47 châu Á và 6/11 ở khu vực Đông Nam Á. Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở chỉ số hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở chỉ số nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở chỉ số dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc).

Đánh giá xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông về thực hiện Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương cho thấy: Bộ Tài chính xếp hạng 1 về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của khối bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019; Bảo hiểm xã hội Việt Nam xếp hạng 1 khối các cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng 1 khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tính đến tháng 7/2020, có 100% bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 96% quận, huyện, thị xã đã kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước (mạng TSLCD); 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 55 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 82,61%; tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc đạt 88,53%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước đạt khoảng 15,91% (9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên 30%; Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%)… Hiện, Bộ Công an tích cực xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Công tác xây dựng Chính quyền điện tử của Lào Cai

Lào Cai xếp hạng 24 về chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng CNTT khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019.

Tỉnh Lào Cai đã triển khai thành công nền tảng kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP); kết nối một số dịch vụ công của tỉnh với hệ thống thông tin của Trung ương qua nền tảng kết nối Quốc gia (NGSP).

127 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin dùng chung, chuyên ngành, từng bước hình thành hệ sinh thái số, kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia.

Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 của tỉnh là: 1.128 dịch vụ/2.009 thủ tục hành chính, đạt 56%.

Gửi nhận văn bản điện tử: Trung bình hàng tháng có trên 81.000 văn bản điện tử gửi - nhận liên thông với các cơ quan Trung ương và giữa các cơ quan, đơn vị các cấp trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, doanh nghiệp tập trung thảo luận, chia sẻ về tình hình, kinh nghiệm, cách làm mới và kiến nghị giải pháp phát triển Chính phủ điện tử.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương phải tích cực hơn nữa trong công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử. Cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đảm bảo với xu thế phát triển chung của thế giới; các bộ, ngành, địa phương phải đặt mục tiêu đến hết năm 2020 đạt 30% về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia…

Thủ tướng yêu cầu các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại các bộ, ngành và địa phương cần có lộ trình cụ thể để tiếp tục xây dựng Chính phủ điện tử. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương khuyến khích, hỗ trợ để các doanh nghiệp, bạn trẻ có điều kiện tham gia xây dựng sáng kiến, sáng chế, đề xuất, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử ngày càng hiệu quả.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/khoa-hoc-va-doi-song/day-nhanh-tien-do-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-z13n20200826193704291.htm