Lịch sử 60 năm tàu cao tốc Shinkansen
60 năm trước, một đoàn tàu cao tốc màu trắng bóng loáng lướt qua những vùng nông thôn Nhật Bản, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành giao thông.
Không chỉ gây ấn tượng với tốc độ, Shinkansen còn là biểu tượng cho sự chuyển mình sau chiến tranh của Nhật, định hình lại các đô thị và truyền cảm hứng cho thế giới.
Khởi đầu của Shinkansen
Ngày 1.10.1964, vài ngày trước khi Nhật lần đầu tiên đăng cai kỳ Olympic, nước này công bố dự án tàu Shinkansen với thiết kế bóng bẩy cùng tốc độ cực nhanh. Đây là dịch vụ đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới.
Tuyến đầu tiên kết nối Tokyo và Osaka, di chuyển 515km trong 4 tiếng đồng hồ (trước đó mất đến 6 tiếng rưỡi). Ở thời điểm đó Shinkansen là tàu nhanh nhất thế giới (vận tốc tối đa 210 km/giờ). Ngày nay vận tốc tàu lên đến 285 km/giờ nên hành trình Tokyo - Osaka chỉ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Quá trình triển khai dự án không hề suôn sẻ. Hệ thống đường sắt của Nhật hư hại nặng nề do Thế chiến thứ hai, trong nước tranh luận gay gắt về việc liệu đất nước có đủ khả năng tài chính cho một dự án lớn như vậy hay không. Lúc bắt đầu hiện thực hóa các kế hoạch liên quan vào năm 1957, nhiều người lên tiếng phản đối vì họ thấy rằng dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt tại Mỹ đang suy giảm. Nhưng trong bối cảnh kinh tế phát triển mạnh mẽ những năm 1950, chính phủ kiên quyết thúc đẩy dự án để kết nối các khu vực đông dân. Kết quả là một kỳ quan kỹ thuật ra đời.
Địa hình nhiều đồi núi cũng đem lại thách thức cho đội ngũ chuyên gia Nhật. Họ khắc phục thách thức bằng thiết kế mũi tàu dài như viên đạn, cho phép xây đường hầm nhỏ hơn và khoảng cách đường ray ngắn hơn. Ngoài ra hệ thống phát hiện động đất cũng giúp tàu dừng lại rất nhanh, cơ chế nghiêng cho tàu giữ tốc độ cao lúc chạy qua khúc cua, thân tàu kín giảm thiểu rung động.
Định hình lại các đô thị
Shinkansen ra đời với mục đích kết nối các đô thị đông đúc, đưa mọi người đến thủ đô. Tàu đã định hình lại cảnh quan đô thị lẫn hoạt động giao thông của Nhật. Khả năng di chuyển 515km chỉ trong 2 tiếng đem lại nhiều tuyến đường đi làm hay đi chơi mới, khuyến khích người dân sống xa công sở hơn. Sự phát triển của loạt thành phố dọc các tuyến tàu tác động tích cực đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, Shinkansen cũng đẩy nhanh quá trình sụt giảm dân số ở vùng nông thôn, khiến nhiều vùng quê chỉ còn người cao tuổi cô độc. Nhà nghiên cứu Christopher Hood (Đại học Cardiff) cho biết: “Mọi người chỉ muốn sống ở thành phố lớn rồi dùng tàu cao tốc đi thăm người thân ở thành phố nhỏ nếu cần”.
Hiệu quả chuyên chở
Mỗi ngày Shinkansen chở gần 250.000 hành khách. Sau mỗi 5 phút lại có một tàu Nozomi (phiên bản nhanh nhất chỉ phục vụ ga lớn). Thời gian chậm trễ trung bình của 9 tuyến tàu là dưới 1 phút, 60 năm lịch sử không hề ghi nhận hành khách nào tử vong hay bị thương.
Đội vệ sinh cũng hoạt động vô cùng hiệu quả. Tại ga Tokyo, họ chỉ có 7 phút dọn dẹp chuẩn bị đón đợt hành khách tiếp theo. Tàu chỉ ở lại ga 12 phút, trong đó 2 phút để hành khách xuống tàu và 3 phút để lên tàu.
Ảnh hưởng toàn thế giới
Trước Shinkansen, dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt ở nhiều quốc gia đều suy giảm. Thành công của Nhật đã khiến toàn thế giới quan tâm đến công nghệ tàu cao tốc. Năm 1981, Pháp ra mắt tàu TGV, tiếp theo là Inter-City Express của Đức năm 1991. Nhật xuất khẩu công nghệ Shinkansen, chẳng hạn đường ray chuyên dụng và hệ thống kiểm soát an toàn, sang nước khác.
Năm 2007, đường sắt cao tốc bắt đầu hoạt động ở Trung Quốc và Đài Loan. Vương quốc Anh sử dụng tàu Intercity Express Trains cho Hitachi chế tạo.
Tương lai Shinkansen
Kế hoạch mở rộng tuyến Hokkaido - Sapporo dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Tình trạng dân số già hóa dẫn đến thiếu hụt lao động khiến JR East (một trong số đơn vị khai thác Shinkansen) chuẩn bị tung ra tàu không người lái.
Ngoài ra Nhật còn triển khai dự án tàu đệm từ - dùng từ trường nâng tàu khỏi đường ray - có thể chạy với vận tốc lên đến 500 km/giờ, giữa Tokyo và Nagoya. Nhưng mốc thời gian hoạt động bị lùi từ năm 2027 xuống năm 2034 hoặc lâu hơn.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lich-su-60-nam-tau-cao-toc-shinkansen-224424.html