Đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc để kiểm soát dịch

Chiều 28-5, Tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì, nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Bệnh viện quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) bị phong tỏa tạm thời. Ảnh: PHẠM NGÔN

Bệnh viện quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) bị phong tỏa tạm thời. Ảnh: PHẠM NGÔN

Chiều 28-5, Tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì, nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, tính đến 12 giờ ngày 28-5, tỉnh đã rà soát 40.277 trường hợp F1, F2; lấy tổng số 445.419 mẫu xét nghiệm. Bắc Ninh đang xét nghiệm sàng lọc ở các điểm có ổ dịch; đồng thời, triển khai các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ các khu nhà trọ, nhất là khu nhà trọ có đông công nhân; tỉnh đã triển khai bố trí người lao động ăn ở, làm việc trong khu vực nhà máy. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các khu công nghiệp giảm 50% số lao động; người lao động có kết quả xét nghiệm Realtime-PCR âm tính trong vòng 72 giờ được phép đến làm việc; nhưng phải cam kết ở lại nhà máy, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) hoặc các cơ quan chức năng giám sát...

Bắc Ninh đang tích cực xét nghiệm sàng lọc theo chỉ đạo của Bộ Y tế (ít nhất cho 20% số công nhân lao động). Dự kiến, trong những ngày tới, tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc sẽ tăng lên nhờ sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các đơn vị; tỉnh sẽ tổ chức sàng lọc ngẫu nhiên tại các chợ, chợ đầu mối...; xét nghiệm Realtime-PCR mẫu gộp tại các điểm dân cư... Về việc cách ly đối tượng có nguy cơ cao (trường hợp F1) ở các vùng cách ly hoặc phong tỏa, tỉnh sẽ tính toán, có thể thực hiện theo phương án: những trường hợp tiếp xúc gần, có nguy cơ cao sẽ đưa đi cách ly tập trung sau khi sàng lọc; những đối tượng còn lại, sẽ thí điểm cách ly tại nơi cư trú.

Tại tỉnh Bắc Giang, trong ngày 28-5, huyện Việt Yên đã tổ chức di chuyển 3.000 công nhân ra khỏi "điểm nóng" thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu về những điểm cách ly ở các huyện khác trong tỉnh, bảo đảm an toàn và giảm mật độ công nhân tập trung tại đây xuống còn 4.100 người. Đến nay, công tác xét nghiệm ở huyện Việt Yên đã bảo đảm tinh thần "lấy mẫu đến đâu, xét nghiệm đến đó", trả kết quả trong 24 giờ. Bên cạnh việc tiếp tục xét nghiệm để làm sạch các ổ dịch trong KCN, khu dân cư lân cận, tỉnh đang triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với những khu vực chưa có dịch, những huyện chưa giãn cách xã hội... Hiện, đã có hai doanh nghiệp quay trở lại sản xuất trên tinh thần bảo đảm tuyệt đối an toàn. Dự kiến những ngày tới có khoảng 10 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết thêm, theo đúng kế hoạch "làm sạch" các ổ dịch, Bắc Giang tập trung lấy mẫu ở những nơi có nguy cơ cao nhất trong khu tâm dịch huyện Việt Yên. Riêng ngày 28-5, các lực lượng đã lấy 14 nghìn mẫu ở những khu có số lượng công nhân tập trung cao, có liên quan các ổ dịch trước đây. Một phần mẫu xét nghiệm đã cho kết quả, những ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, chủ yếu là công nhân, chưa có ca bệnh trong cộng đồng. Những số mẫu còn lại tiếp tục cho kết quả trong đêm nay, dự báo các ca nhiễm có thể tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, số ca này nếu có tăng cao cũng đều nằm trong dự báo do đang quét và làm xét nghiệm những nhóm công nhân ở khu trọ cũng như các trường hợp F1; từ đó, phát hiện sớm, tách ngay ra khỏi cộng đồng, tiến tới dập tắt ổ dịch này. Quá trình làm sạch các ổ dịch phải rất kiên trì, thường xuyên, liên tục. Bắc Giang sẽ tiếp tục xét nghiệm vòng hai tại những điểm nóng của huyện Việt Yên để đánh giá khái quát tình hình, sớm đưa ra dự báo và phương án phòng, chống dịch trong những ngày tới.

Ngày 28-5, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong các KCN, nhà máy, xí nghiệp. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN phải thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 để xem xét quyết định cho phép bộ phận dây chuyền, phân xưởng hoặc toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh được tiếp tục hoặc dừng sản xuất để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch... Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hằng tuần cho các đối tượng liên quan. Trước khi đưa các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đi cách ly y tế, phải chia nhóm theo dây chuyền, phân xưởng sản xuất và mức độ nguy cơ tiếp xúc...

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ghi nhận và biểu dương Bộ Quốc phòng đã tích cực, nỗ lực, kịp thời hỗ trợ nhân lực, nguồn lực, phương tiện, thiết bị, hỗ trợ xét nghiệm, triển khai bệnh viện dã chiến (BVDC) giúp hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Trước đó, sáng 19-5, Bộ Quốc phòng đã triển khai hỏa tốc thành lập hai BVDC truyền nhiễm tại cơ sở hai Trường Sĩ quan Chính trị ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và Trung đoàn 831 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Mỗi BVDC được tổ chức thành 4 cơ quan và 10 khoa, với biên chế hơn 100 người và quy mô 300 giường bệnh (sẵn sàng nâng hệ số sử dụng lên 500 giường).

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Anh; Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản và các công ty: Samsung Việt Nam, SK, LG... Tại cuộc họp, các bên thảo luận về cơ chế tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 như: đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vắc-xin; khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp vắc-xin để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; cơ chế chia sẻ chi phí liên quan việc tiếp cận vắc-xin... Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long họp trực tuyến với Công ty Zuellig Pharma, đơn vị đại diện cung ứng vắc-xin phòng Covid-19 của Moderna cho Việt Nam.

Ngày 28-5, Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) có văn bản gửi các bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) về việc sử dụng thuốc và các phương pháp YHCT phòng, chống dịch Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, lựa chọn, cung cấp miễn phí thuốc cổ truyền, sản phẩm từ dược liệu, phương pháp YHCT trong phòng, hỗ trợ điều trị, nâng cao thể trạng bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người bệnh trước, trong và sau điều trị Covid-19 tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tổ chức nghiên cứu bước đầu đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trên người dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 và các đối tượng liên quan khác...

Ngày 28-5, đoàn gồm 32 bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh Lào Cai đã lên đường chi viện, giúp tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19.

Sáng 28-5, Trường đại học Điều dưỡng Nam Định tổ chức lễ xuất quân của đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang. Đoàn gồm 10 bác sĩ và 44 sinh viên tình nguyện. Trường đại học Điều dưỡng Nam Định còn phát động ủng hộ đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến sáng 28-5, các tập thể, cá nhân ủng hộ hơn 100 triệu đồng tiền mặt, cùng hàng nghìn hiện vật.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, đến ngày 28-5, tại 12 KCN trên địa bàn TP Hải Phòng đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 được hơn 36 nghìn công nhân, lao động, đạt tỷ lệ hơn 20% tổng số lao động tại các doanh nghiệp trong khu vực này. Trong đó, 100% số chuyên gia, lao động người nước ngoài được xét nghiệm, kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.

Đến nay, tỉnh Ninh Bình có hơn 5.600 công nhân, người lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh được lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2. Kết quả, hơn ba nghìn trường hợp âm tính, các trường hợp còn lại đang chờ kết quả.

Ngày 28-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) thông báo: Những người đang ở hoặc từng đến 44 điểm mà HCDC cập nhật thì tự cách ly tại nhà theo quy định. 44 điểm theo danh sách của HCDC thuộc các quận: 1, 3, 7, 10, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú; huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức.

Sau 21 ngày không có ca mắc Covid-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng, ngày 28-5, UBND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng yên ra quyết định kết thúc phong tỏa, cách ly phòng, chống dịch Covid-19 đối với thôn Tử Lý, xã Đông Ninh; xóm Quang Trung và xóm Đô Lương, thôn Toàn Thắng, xã Tân Châu; xóm Bắc Sơn, thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu; xóm 1, thôn Ninh Tập, xã Đại Tập. Đồng thời, UBND huyện Khoái Châu quyết định kết thúc cách ly xã hội năm xã gồm: Đông Ninh, Tân Châu, Đại Tập, Đông Kết, Tứ Dân từ 12 giờ ngày 28-5.

Ngày 28-5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công văn số 1639/UBND-KGVX yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát lại tổ Covid-19 cộng đồng và phối hợp công an thành phố kiện toàn lại tổ Covid-19 cộng đồng. Một tổ Covid-19 cộng đồng được thành lập từ 10 đến 20 nhóm tùy theo tình hình thực tế của địa phương; trong đó, công an cơ sở làm tổ trưởng.

Ngày 28-5, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân có công văn hỏa tốc yêu cầu người đứng đầu các cơ sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tăng cường làm việc với các đối tác ngoài tỉnh, tổ chức các hội nghị, hội thảo bằng hình thức trực tuyến; đẩy mạnh các giải pháp thương mại điện tử, xúc tiến đầu tư thông qua môi trường mạng in-tơ-nét. Những người đến, về từ vùng có dịch phải khai báo và cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Gia Lai cho biết, qua xét nghiệm các ca nghi nhiễm tại các khu cách ly tập trung đã phát hiện một trường hợp ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2, trú thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro), là F1 của ca bệnh 5410. Qua truy vết có 18 trường hợp thuộc diện F1 và 95 trường hợp F2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo cách ly tập trung đối với các trường hợp F1, cách ly tại nhà đối với các trường hợp F2. Các địa điểm có yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh đã được đóng cửa, phun, khử khuẩn theo quy định.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 28-5, cả nước ghi nhận 254 trường hợp mắc Covid-19 (người bệnh thứ 6.317 đến 6.570), trong đó có một ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 253 ca mắc ghi nhận trong nước tại: tỉnh Bắc Giang (176 ca), Bắc Ninh (33 ca), TP Hồ Chí Minh (25 ca), Lạng Sơn (10 ca), Hà Nội (bốn ca), Thái Bình (một ca), Long An (một ca), Hải Dương (một ca), Hưng Yên (một ca), Hà Nam (một ca). Đáng chú ý, với việc phát hiện người bệnh mắc Covid-19 thứ 6.325 (nam, 45 tuổi, địa chỉ tại huyện Cần Giuộc), là F1 người bệnh thứ 6.282, liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng (TP Hồ Chí Minh), tỉnh Long An là địa phương thứ 31 trên cả nước ghi nhận người mắc Covid-19 trong cộng đồng trong đợt dịch này.

Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho biết: Ngày 27-5, Việt Nam ghi nhận người bệnh tử vong thứ 47 liên quan tới Covid-19. Đó là người bệnh 3.026 (nữ 22 tuổi, địa chỉ TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) được phát hiện suy tủy xương từ tháng 3-2021. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm huyết trên bệnh nhân suy tủy xương, nhiễm SARS-CoV-2.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/day-nhanh-tien-do-xet-nghiem-sang-loc-de-kiem-soat-dich-648309/