Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để đảm bảo tiến độ miễn dịch cộng đồng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với tất cả các địa phương, đơn vị, nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo tiến độ miễn dịch cộng đồng trong thời gian tới.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID - 19 triển khai trong toàn quốc từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022 với mục tiêu tiêm vắc xin cho 75 triệu dân với 150 triệu mũi tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng, nhằm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe Nhân dân vì một dân tộc khỏe mạnh, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, xây dựng và phát triển ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận cho biết: Đến thời điểm này, Lâm Đồng đã tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tổng cộng 86.471 liều, đạt 92,4% số vắc xin Bộ Y tế cấp, đứng thứ 2 khu vực các tỉnh phía Nam. Hiện, toàn tỉnh đang tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID -19 đợt 6.

Để đạt được kết quả này, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cũng đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID -19 năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cho cộng đồng. Mục tiêu cụ thể: Tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021. Trên 70% dân số được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến hết quý I/2022. Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Chiến dịch triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ Bộ Y tế cấp về để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân. Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng tránh để lãng phí trong tiêm vắc xin. Huy động hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng bao gồm: Các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ...) hỗ trợ triển khai tiêm chủng. Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt trên 90% và đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

Lâm Đồng đứng thứ 2 khu vực phía Nam về tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19

Lâm Đồng đứng thứ 2 khu vực phía Nam về tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19

Đối tượng tiêm phòng COVID-19 của tỉnh Lâm Đồng là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế. Cụ thể: Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân); người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); lực lượng Quân đội; lực lượng Công an…

Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân. Dự kiến đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn toàn tỉnh có 901.167 người, nhu cầu vắc xin trong năm 2021-2022 tại tỉnh Lâm Đồng là 1.976.800 liều; trong đó, 492.130 liều vắc xin dự kiến do Bộ Y tế cấp miễn phí và 1.484.670 liều vắc xin dự kiến do ngân sách địa phương mua.

Phạm vi triển khai sử dụng vắc xin trên quy mô toàn tỉnh, trong đó ưu tiên cho các địa phương ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng; các huyện, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và mật độ dân số cao như: Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Bảo Lâm…; các huyện, thành phố có đầu mối giao thông quan trọng. Hình thức triển khai tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã (tại các điểm tiêm chủng cố định và tiêm chủng lưu động).

Tổng kinh phí chiến dịch hơn 222 tỷ đồng, trong đó, kinh phí tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên hơn 24,5 tỷ đồng và kinh phí tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 18 - 65 tuổi không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên gần 198 tỷ đồng.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Tính đến sáng 9/8, tổng số liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm chủng là 9.405.819 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 8.460.013 liều và tiêm mũi 2 là 945.806 liều. Theo báo cáo, tiến độ tiêm chậm so với tiến độ vắc xin đã cấp theo đợt cho các địa phương, đơn vị. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để đảm bảo tiến độ miễn dịch cộng đồng. Các đơn vị tiêm vắc xin tỉ lệ thấp so với vắc xin đã cấp thì Bộ Y tế sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân theo dõi giám sát. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tiêm vắc xin các nguồn khác nhau, hoàn toàn miễn phí, không thu bất kỳ phí nào, kể cả tổ chức tự nguyện ủng hộ vắc xin cũng không tiếp nhận, không được thu phí tiêm vắc xin.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị không trông chờ, lựa chọn vắc xin, vắc xin về loại nào tiêm loại đó. Nghiêm cấm việc tiêu cực trong tổ chức tiêm vắc xin. Người đứng đầu các cấp, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch, đồng thời chịu trách nhiệm về việc tổ chức triển khai tiêm vắc xin tại địa phương, đơn vị mình.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202108/day-nhanh-toc-do-tiem-chung-de-dam-bao-tien-do-mien-dich-cong-dong-3072533/