Đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở để làm tốt hơn chăm sóc sức khỏe ban đầu
Chương trình 'Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn' triển khai tại 16 địa phương, trong đó có Bình Phước đóng vai trò quan trọng trong tạo thêm nguồn lực để y tế cơ sở làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu...
Đoàn công tác của Ban Quản lý chương trình y tế cơ sở TW do PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Chương trình y tế cơ sở ADB làm trưởng đoàn và ông Ngô Quang Vịnh, Chủ nhiệm dự án Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đại diện phía ADB đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước để thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Bình Phước có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh; cùng dự buổi làm việc còn có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Đâu là lý do chậm triển khai tiến độ chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở?
Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đoàn công tác của Ban Quản lý chương trình y tế cơ sở trung ương và Ngân hàng Phát triển Châu Á cùng Giám đốc Sở Y tế Bình Phước đã đi giám sát thực địa tại một số trạm y tế xã Đoàn Kết, Thọ Sơn, huyện Bù Đăng và trạm y tế xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh về việc tiến độ triển khai thực hiện chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2019 - 2025.
Riêng trạm y tế xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng nằm trong vùng quy hoạch dự án bô xít của Chính phủ nên đưa trạm y tế xã Bom Bo đầu tư xây mới.
Đoàn giám sát thực địa một số trạm y tế xã, nhìn chung, đa phần các trạm y tế nhiều năm không được nâng cấp, cải tạo nên hiện nay, cơ sở vật chất của trạm xuống cấp, hư hỏng nhiều.
Trước tình trạng đó, chính quyền, trung tâm y tế huyện, các trạm y tế xã mong muốn sớm triển khai chương trình phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thông tin tại buổi làm việc của đoàn công tác với tỉnh Bình Phước cho thấy, Bình Phước là 1 trong 16 tỉnh thụ hưởng hợp phần I đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho các trạm y tế xã. Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2019-2025, tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng. Quy mô đầu tư xây mới 20 trạm y tế xã và sửa chữa, nâng cấp 25 trạm y tế xã.
Phần thiết bị bao gồm các trang thiết bị y tế của 20 trạm xây mới. Do tác động của dịch COVID-19 kéo dài, thủ tục chuẩn bị dự án có nhiều thay đổi nên đến năm 2023, chương trình mới tiếp tục triển khai tại tỉnh.
Các sở, ban, ngành và địa phương thụ hưởng chương trình cũng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết, nguyên nhân khó khăn, vướng mắc khiến tiến độ dự án chậm so với yêu cầu là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, do công tác rà soát của tỉnh nhằm đảm bảo các xã được xây dựng mới hoặc sửa chữa trạm y tế đảm bảo phù hợp với yêu cầu của chương trình. Mặt khác, do một số trạm y tế trong danh mục đã chọn nằm trong vùng quy hoạch dự án của Chính phủ…
Quan tâm triển khai, hoàn thành dự án đúng thời hạn để nâng cao chất lượng y tế cơ sở theo tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nhấn mạnh: So với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, Bình Phước vẫn là tỉnh còn gặp khó khăn về kinh tế xã hội, do vậy rào cản tài chính trong tiếp cận dịch vụ y tế vẫn là vấn đề hiện hữu.
Điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp quy mô lớn là yếu tố thuận lợi thu hút lao động di cư tự do, có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế tỉnh cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý sức khỏe cá nhân.
Các điều kiện kinh tế xã hội, mặt bằng dân trí cũng gây khó khăn nhất định cho công tác phát triển nhân lực y tế (khó khăn trong phát triển nhân lực y tế tại chỗ, khó thu hút nhân lực chất lượng cao và có nguy cơ chảy máu chất xám đến trung tâm Vùng Đông Nam bộ).
Phân tích làm rõ thêm PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho biết, số liệu thống kê cho thấy hầu hết các chỉ số đầu vào của hệ thống y tế tỉnh Bình Phước (số bác sỹ, dược sỹ đại học, số điều dưỡng trên 1 vạn dân và số giường bệnh trên 1 vạn dân) đều thấp hơn mức bình quân cả nước cũng như mức bình quân của khu vực Đông Nam bộ.
Mặc dù vậy, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng đánh giá mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh khá phát triển với 11 trung tâm y tế cấp huyện và 111 trạm y tế cấp xã. Thống kê y tế cho thấy mạng lưới trạm y tế cấp xã được quan tâm, với nhiều chỉ số thiết yếu đạt mức khá cao (như tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ, tỷ lệ trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi, tỷ lệ thôn/bản có nhân viên y tế hoạt động đều đạt trên 95%).
Tuy nhiên, PGS Hằng cũng thẳng thắn cho rằng số liệu thống kê y tế cũng cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại liên quan tới hiệu quả hoạt động của các trạm y tế cấp xã. Tỷ lệ trạm y tế cấp xã triển khai dự phòng, quản lý các bệnh không lây nhiễm mới đạt khoảng 23%. Tỷ lệ khám chữa bệnh tại y tế xã còn tương đối thấp và có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.
Các chỉ số sức khỏe cơ bản của cộng đồng dân cư tỉnh Bình Phước nhìn chung ở mức xấp xỉ bình quân toàn quốc và kém hơn nếu so sánh với mức bình quân khu vực Đông Nam bộ.
Nhấn mạnh hiện nay đổi mới mạng lưới y tế cơ sở là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho biết thêm, trong các chính sách chiến lược cao nhất cụ thể trong Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới đã nêu rõ đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở tất cả chỉ tiêu, chỉ số liên quan y tế cơ sở phải được lồng ghép trong các Chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội chung của các địa phương và phải đánh giá thường xuyên, lượng giá xem có hoàn thành không.
"Đây là quyết tâm chính trị cao cho nên các dự án đầu tư trực tiếp cho y tế cơ sở có vai trò cực kỳ quan trọng vì mục tiêu hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chỉ thị 25 trên địa bàn tỉnh"- PGS Hằng nói và khẳng định thêm: Dự án đã bổ sung nguồn vốn cho các tỉnh khó khăn Bình Phước khi bố trí 4,5 triệu USD để đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới 45 trạm y tế.
"Đây là nguồn vốn lớn cho địa phương với mục tiêu rõ ràng là góp phần cải thiện chỉ số sức khỏe cộng đồng dân cư trên địa bàn"- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nói.
Chia sẻ về việc giai đoạn đầu dự án gặp khó khăn do phòng chống dịch COVID-19 và việc triển khai có một số đặc thù riêng cho các đơn vị tham gia dự án (khó khăn này không phải dự án riêng của Ngành Y tế mà còn trong tổng thể chung) như: dự án đầu tư cho y tế nhưng nằm trong khuôn khổ chung của Chương trình Mục tiêu quốc gia nên chịu sự chi phối của rất nhiều qui định về quản lý ODA của Chính phủ, của nhà tài trợ, các qui định đặc thù của Chương trình Mục tiêu quốc gia Nông thôn mới, tuy nhiên đến nay cơ bản những vướng mắc, khó khăn đó đã được tháo gỡ, 15 tỉnh gần như đã bắt tay vào thực hiện triển khai Dự án trên thực địa, riêng Bình Phước là tỉnh chậm nhất chưa triển khai được hoạt động nào trên thực địa, UBND tỉnh chưa có quyết định đầu tư Dự án, chưa phê duyệt báo cáo Nghiên cứu khả thi trên địa bàn tỉnh.
"Chúng tôi bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành liên quan hỗ trợ Sở Y tế hoàn thành sớm các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đúng thời hạn. Điều này không chỉ thực hiện hiệu quả nguồn kinh phí dự án mà còn góp phần thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về y tế cơ sở trên địa bàn"- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, các bên đã tập trung trao đổi, làm rõ thực tế công tác chuẩn bị triển khai thực hiện dự án, những khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định lĩnh vực y tế, giáo dục luôn được tỉnh quan tâm về mọi mặt, đồng thời nhấn mạnh: Trong bối cảnh ngân sách đang gặp khó khăn, Bình Phước rất trân trọng các nguồn vốn do trung ương bố trí, trong đó có nguồn vốn từ chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh yêu cầu các đơn vị liên quan phải tận dụng được nguồn vốn này, giải ngân đầy đủ, kịp thời, đúng quy định và mục đích, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực trong quá trình triển khai. Sở Y tế rà soát lại từng việc, có phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.
Các địa phương thụ hưởng chương trình phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong quá trình triển khai trình tự thủ tục về đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa.